Thị trường lao dốc đột ngột, VN-Index “bay” 60 điểm
Theo Dân Trí, đầu tuần, các chỉ số trong phiên giằng co, đi ngang quanh ngưỡng tham chiếu. Thế nhưng kể từ sau 14h, cục diện thị trường đã thay đổi hoàn toàn. Áp lực bán mạnh dâng lên đột ngột khiến nhà đầu tư không kịp trở tay, dù trước đó VN-Index đã trở lại trên mức giá trung bình 20 phiên nhờ cú bùng nổ cuối tuần trước.
VN-Index lao dốc kể từ sau 14h (Ảnh chụp màn hình).
Gần như ngay lập tức, đồ thị VN-Index rơi thẳng đứng, “bay” mất 60 điểm, tương đương thiệt hại 4,7%. VN-Index “xuyên thủng” mọi ngưỡng hỗ trợ, rơi về 1.216,61 điểm, khiến cho thành quả của các phiên hồi phục trước đó bị xóa sạch.
Bên cạnh đó, VN30-Index mất 56,84 điểm tương ứng 4,42%; HNX-Index mất 11,62 điểm tương ứng 4,82% và UPCOM-Index mất 2,23 điểm tương ứng 2,44%.
Sắc đỏ bao trùm thị trường với 886 mã giảm giá. Đáng chú ý, có tới 157 mã giảm kịch sàn, riêng HoSE có 111 mã giảm sàn. Còn phía tăng chỉ có 142 mã.
Dù VN-Index lao nhanh nhưng dòng tiền vẫn đổ vào mạnh. Theo đó, khối lượng giao dịch trên HoSE lên tới 1,46 tỷ cổ phiếu, giá trị giao dịch đạt 33.567,75 tỷ đồng; trên HNX là 163,26 triệu đơn vị tương ứng 3.483,89 tỷ đồng và UPCoM có 67,16 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 822,79 tỷ đồng.
Có tới 6 mã cổ phiếu trong rổ VN30 giảm sàn. Các cổ phiếu đầu ngành như MSN, BCM, BID, GVR,… giảm kịch biên độ đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chung.
Tại ngành chứng khoán, cổ phiếu giảm sàn đồng loạt, bảng điện nhuốm màu xanh da trời. FTS, EVF, VIX, VCI,… giảm kịch biên độ sàn HoSE, phần lớn trắng bên mua.
Tương tự, cổ phiếu bất động sản cũng bị bán tháo, giảm sàn la liệt và trắng bên mua như KDH, HPX, DXS, DIG…
Cổ phiếu ngành bất động sản nằm sàn la liệt (Ảnh chụp màn hình).
Cổ phiếu ở hầu hết ngành nghề trên thị trường đều bị bán mạnh, nhiều mã bị bán tháo cuối phiên. Một số nhà đầu tư chưa rõ nguyên nhân, nhưng do diễn biến chuyển xấu nên đã chủ động bán ra cổ phiếu, hạ tỉ trọng trong danh mục, giảm áp lực thua lỗ.
Chuyên gia nói gì?
Theo VnExpress, giới phân tích cho rằng tâm lý nhà đầu tư đã bị tác động mạnh trước căng thẳng địa chính trị, vấn đề tỷ giá, dẫn tới hiệu ứng bán tháo diện rộng, khiến VN-Index lao dốc.
Ông Huỳnh Hoàng Phương - Giám đốc khối Nghiên cứu và phân tích đầu tư tại FIDT cũng cho rằng "cú sập" là hệ quả khi thị trường đã có đợt tăng giá kéo dài với hiệu suất gần 13% tính từ đầu năm.
Theo ông, kinh tế Việt Nam có sự phục hồi thời gian qua nhưng chưa bền vững. Trong khi đó, thị trường liên tục đối mặt nhiều rủi ro, quan trọng nhất là áp lực tỷ giá.
"Khi USD liên tiếp lập đỉnh, nhà đầu tư dễ có tâm lý lo sợ Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ để can thiệp, tăng lãi suất. Khi đó sẽ gây áp lực lên thị trường chứng khoán", ông Phương nói.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, phiên giảm điểm 15/04 diễn ra khá “bất thường".
Nhóm phân tích SHS nhận xét: “VN-Index bất ngờ giảm điểm mạnh làm gãy nền tích lũy trung hạn và hỗ trợ 1.250, dẫn tới trạng thái vận động ngắn hạn chuyển biến xấu. Vận động giảm điểm mạnh phiên 15/04 là bất thường”.
SHS cũng cho rằng về ngắn hạn, động lực tăng của thị trường đã suy giảm mạnh. VN-Index có nguy cơ trở lại xu hướng giảm ngắn hạn với hỗ trợ mới khoảng 1.150 điểm.
Về trung hạn, chỉ số đã rơi trở lại kênh tích lũy rộng từ 1.150 đến 1.250. Thị trường có xu hướng đi ngang dài hơn nếu VN-Index vận động trong kênh tích lũy này.
Còn theo Công ty chứng khoán Yuanta, thị trường có thể tiếp tục đà giảm vào đầu phiên và thu hẹp đà giảm vào cuối phiên. Đồng thời, VN-Index có thể kiểm tra vùng hỗ trợ quanh 1.200 - 1.210 điểm.
"Các chỉ báo kỹ thuật giảm về gần vùng quá bán, đặc biệt chỉ báo tâm lý giảm mạnh về vùng bi quan quá mức cho nên chúng tôi kỳ vọng thị trường có thể sớm xuất hiện nhịp hồi trong một vài phiên tới", nhóm phân tích đánh giá.
Đồng thời, Chứng khoán Yuanta cũng khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế bán tháo ở giai đoạn này, dừng bán và quan sát thị trường.