Eximbank đón "làn gió mới"
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) vừa cập nhật danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên của ngân hàng.
Theo đó, CTCP Tập đoàn Gelex đang có gần 174,7 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 10% vốn ngân hàng. Đây cũng là mức tối đa mà cổ đông tổ chức được sở hữu theo Luật các TCTD 2024.
Trước đó, trong hai ngày 7-8/8/2024, Gelex đã mua lần lượt 50 triệu và 39 triệu cổ phiếu EIB bằng phương thức giao dịch trên sàn chứng khoán Tp.HCM.
Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của Gelex tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9% lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này.
Trước thời điểm Gelex hiện diện tại Eximbank, Sumitomo Mitsui Banking (SMBC) từng là cổ đông chiến lược của ngân hàng với tỉ lệ sở hữu 15% vốn.
Thành lập năm 1990, Tập đoàn Gelex sở hữu các như: Viglacera, Dây cáp điện CADIVI, Thiết bị đo điện EMIC, Máy biến áp THIBIDI… Tính đến cuối tháng 6/2024, doanh nghiệp có vốn điều lệ 8.515 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 22.300 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 52.400 tỷ đồng.
Ngoài sự hiện diện của Gelex, một cái tên đáng chú ý khác xuất hiện tại Eximbank là ông Nguyễn Hồ Nam được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Ông Nam trước đó là Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital.
Bamboo Capital là tập đoàn đa ngành với hơn 60 công ty liên kết (tập trung vào năng lượng tái tạo, bất động sản, xây dựng và tài chính. Tính đến tháng 6/2024, Bamboo Capital có vốn chủ sở hữu 21.300 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 45.300 tỷ đồng.
Ngân hàng Eximbank đón cổ đông lớn mới trong bối cảnh ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực về hoạt động kinh doanh. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2024, Eximbank ghi nhận thu nhập lãi thuần 2.870 tỷ đồng, tăng 23%. Ngân hàng báo lãi sau thuế đạt gần 1.119 tỷ đồng, tăng 4,6% so với 6 tháng đầu năm 2023.
Đồng thời, Eximbank cũng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối lũy kế đến năm 2023 sau khi trích lập các quỹ là 552 tỷ đồng.
Kể từ năm 2014 đến nay, sau 1 thập kỷ, cổ đông Eximbank mới lại được nhận cổ tức tiền mặt. Sau khi thực hiện chia cổ tức tiền mặt theo tỉ lệ 4% vào năm 2024, trong giai đoạn từ 2015 đến năm 2023, Eximbank không hề chia cổ tức tiền mặt.
Cơ hội nào để "đông sơn tái khởi"?
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu nhóm cổ đông trên có thể giúp Eximbank trở lại thời kỳ "hoàng kim"?
Eximbank thành lập năm 1989, tên gọi ban đầu là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam với số vốn điều lệ đăng ký 50 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tại Việt Nam.
Đi trước về sau, sau hơn 3 thập kỷ, quy mô vốn điều lệ của ngân hàng lại chỉ dừng lại ở mức tầm trung với gần 17.470 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đã từng có thời kỳ, Eximbank cho thấy sức bật mạnh mẽ của mình. Cụ thể, trong giai đoạn từ năm 2007-2011, ngân hàng này từng có kết quả tăng trưởng ấn tượng khi tổng tài sản tăng từ mức 33.710 tỷ đồng cuối năm 2007 lên 183.567 tỷ đồng vào cuối năm 2011. Trong vòng 5 năm, quy mô tài sản của ngân hàng đã tăng gần gấp 5,5 lần.
Đồng thời, lợi nhuận của Eximbank cũng tăng mạnh, từ mức lợi nhuận trước thuế 629 tỷ đồng năm 2007 lên 4.056 tỷ đồng vào năm 2011.
Tuy nhiên, đến thời điểm năm 2012, mức lợi nhuận trên giảm về mức 2.851 tỷ đồng và dần đi vào thoái trào khi đến 2014, 2015, Eximbank thậm chí báo lãi trước thuế chưa đến 100 tỷ đồng.
Giai đoạn từ năm 2015 - 2021, tổng tài sản và lợi nhuận của Eximbank dần phục hồi nhưng vẫn chưa thể trở lại như thời kỳ trước.
Đã có thời điểm, tại ngân hàng diễn ra việc tranh chấp giữa các nhóm cổ đông để giành quyền kiểm soát. Điều này được thể hiện qua những biến động thượng tầng liên tục tại Eximbank.
Từ tháng 04/2019 đến tháng 09/2021, Eximbank thậm chí để trống chức danh Tổng Giám đốc. Tháng 9/2021, sau 2 năm, HĐQT Eximbank chính thức bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Hải đang đảm nhiệm Quyền Tổng Giám đốc ngân hàng.
Từ năm 2019 đến 2022, Eximbank nhiều lần tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thành, dẫn tới không thể thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ, những văn bản tài liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh, chiến lược phát triển của ngân hàng.
Trong tài liệu ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, phần thư kiến nghị yêu cầu Eximbank xin ý kiến NHNN về việc tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường của ngân hàng và kiến nghị bổ sung thêm một thành viên HĐQT, các cổ đông của Eximbank còn cho biết cảm thấy lo lắng bất an khi các ĐHĐCĐ của ngân hàng liên tiếp bất thành và không thông qua được bất kỳ nội dung nào.
Điều này cho thấy các cổ đông của Eximbank đang không có chung quan điểm, không đồng lòng, thống nhất và chính những mâu thuẫn, xung đột đang tồn tại giữa các cổ đông ngày càng sâu sắc hơn đã dẫn đến việc các cuộc họp của ngân hàng không thành công, gây lãng phí về tiền bạc, thời gian, nhân lực, ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông chân chính,
Trong vòng 9 năm qua, "ghế nóng" Chủ tịch HĐQT của Eximbank cũng không ngừng biến động. Từ ông Lê Hùng Dũng đến ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú. Sau đó lại quay trở lại ông Lê Minh Quốc, đến ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông. Vòng lặp tiếp diễn khi ông Yasuhiro Saitoh lần nữa đảm nhiệm vị trí Chủ tịch. Tiếp đó là bà Lương Thị Cẩm Tú, bà Đỗ Hà Phương.
Đến ngày 27/4, Eximbank chính thức miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương theo đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT và đã được HĐQT thông qua từ ngày 26-4-2024. Đồng thời bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Anh đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025).
Đón Chủ tịch mới và cổ đông lớn mới, 2 nhân tố trên được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong thời gian sắp tới tại Eximbank.
Trong phân tích mới nhất, Chứng khoán MB dự phóng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Eximbank trong giai đoạn 2024 - 2025 sẽ ở mức tích cực với động lực tăng trưởng chính đến từ mảng cho vay bán buôn, bán lẻ (vốn chiếm 36% cơ cấu cho vay của ngân hàng này trong năm 2023.
Chứng khoán MB đánh giá chất lượng tài sản của Ngân hàng Eximbank sẽ dần được cải thiện qua các quý. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu của Eximbank sẽ tăng mạnh trong năm 2025.