Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Clip: Xe bồn chở hóa chất rơi xuống biển sau tai nạn, một cảnh báo rủi ro môi trường lập tức được đưa ra

Một vụ va chạm giữa hai xe tải xảy ra trên cầu Tuas Second Link đã khiến một bồn hóa chất nặng bị rơi xuống eo biển Johor, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ ô nhiễm và khiến giao thông qua cửa khẩu tắc nghẽn nghiêm trọng.

Theo video lan truyền trên TikTok, xe tải màu đỏ đang vượt lên từ phía sau thì va quẹt vào xe tải trắng đi cùng chiều, khiến phần bồn chứa trên xe đỏ lắc lư rồi rơi khỏi xe, va vào cột đèn trước khi rơi xuống biển. Cabin xe không bị rơi theo.

Tài xế xe đỏ được đưa đến phòng khám sức khỏe Gelang Patah, còn tài xế xe còn lại không bị thương. Một số người đi xe máy cũng được cho là bị thương trong vụ tai nạn, trong đó có người được phát hiện ngồi bên lề đường với dấu hiệu chấn thương. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy lan can cầu bị phá hủy và mảnh vỡ nằm rải rác trên đường.

tiktok-make-your-day-1753429725.mp4

Clip: Tiktok

Cơ quan Kiểm soát Xuất nhập cảnh Singapore (ICA) thông báo vào lúc 6h17 chiều 24/7 rằng vụ việc khiến khu vực cửa khẩu Tuas tắc nghẽn nghiêm trọng. Đến 8h48 tối cùng ngày, hiện trường mới được giải tỏa hoàn toàn.

Trong khi đó, Cục Môi trường Quốc gia Singapore (NEA) khuyến cáo người dân không nên thực hiện các hoạt động tiếp xúc trực tiếp với nước như bơi lội, câu cá quanh khu vực Tuas Second Link và Raffles Marina. NEA cho biết đang phối hợp chặt chẽ với phía Malaysia để giám sát chất lượng nước.

Theo phía Malaysia, bồn hóa chất rơi xuống biển chứa propylene glycol, một chất lỏng không màu, thường dùng trong thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm. Tổ chuyên trách xử lý vật liệu nguy hiểm đã kiểm tra và không phát hiện dấu hiệu rò rỉ hóa chất ra môi trường.

Một xe tải khác tại hiện trường chở natri hypoclorit, chất tẩy có thể gây nguy hiểm, cũng không bị rò rỉ.

chemical-tank-chemical-tank-falls-into-sea-off-tuas-second-link-after-lorries-collide-nea-warns-against-water-activities-1753429430.gif
Ảnh cắt từ clip

Dù propylene glycol không thuộc danh mục hóa chất nguy hiểm, nhưng nếu tồn dư với nồng độ cao có thể làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước. Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) đã cảnh báo các trang trại cá ở khu vực Lim Chu Kang cần cảnh giác và thông báo nếu phát hiện hiện tượng cá chết hoặc nước bất thường.

Hiện các nhà máy lọc nước biển của Singapore vẫn hoạt động bình thường, và Cơ quan Quản lý Nguồn nước quốc gia (PUB) đang theo dõi sát sao.

Đáng chú ý, chỉ một ngày trước tai nạn, Singapore và Malaysia đã cùng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hóa chất quy mô lớn tại chính khu vực Tuas Second Link. Diễn tập mô phỏng tình huống nhiều xe đâm nhau gây rò rỉ hóa chất, kéo dài suốt 7 tiếng với việc phong tỏa cả 3 làn đường.

PV (Theo MSNews)