Trượt thầu do cung cấp tài liệu không trung thực
Theo tìm hiểu, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh (MST: 0100103062; Địa chỉ: số 46, ngõ 120, đường Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) là 1 trong 4 nhà thầu tham dự “Gói thầu số 10: Thi công xây lắp” do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (QLDA ĐTXD Công trình NN&PTNT) tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.
Đây là gói thầu thuộc dự án Nạo vét sông tiêu 6 xã phục vụ tưới tiêu liên huyện Yên Khánh – Kim Sơn, kết hợp nâng cấp bờ thành đường giao thông phòng chống thiên tai, huyện Yên Khánh.
Ngoài ra, gói thầu còn thu hút 3 đơn vị khác tham dự gồm liên danh Hải Đăng – Minh Dũng (công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Hải Đăng – CTCP Xây dựng Minh Dũng); CTCP Xây dựng công trình giao thông Thái Sơn (công ty Thái Sơn) và liên danh Sông Tiêu 6 xã (công ty TNHH Xây dựng và Thương mại dịch vụ Tuấn Hùng – công ty TNHH Đầu tư sản xuất và Thương mại Xuân Thịnh).
Quá trình đánh giá E-HSDT (hồ sơ dự thầu) được tư vấn bởi CTCP Đầu tư xây dựng FDG, cả 4 đơn vị đều vượt qua bước đánh giá tính hợp lệ của E-HSDT.
Thế nhưng, đến bước đánh giá về năng lực và kinh nghiệm, chỉ trừ liên danh Sông Tiêu 6 xã, 3 nhà thầu còn lại đều bị loại do không đáp ứng yêu cầu, cũng như cung cấp các tài liệu không trung thực về nhân sự, thiết bị.
Đáng chú ý là trường hợp của CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh Doanh khi doanh nghiệp này đã không đáp ứng được yêu cầu về nhân sự. Theo đó, trong E-HSDT, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh Doanh đề xuất ông Lưu Đình Quý đảm nhận vị trí Chỉ huy trưởng và ông Nguyễn Đức Luận đảm nhận vị trí cán bộ kỹ thuật hiện trường.
Để chứng minh khả năng huy động các nhân sự trên, nhà thầu này đã có văn bản trả lời làm rõ (lần 2) số 99/XD&PTKD/CV ngày 22/8/2024, trong đó đính kèm tài liệu của các chủ đầu tư gồm Văn bản số 63A/UBND và 63B/UBND ngày 2/7/2024 của UBND xã Cửu Cao; Văn bản số 456/BQL-DA1.3 ngày 9/7/2024 của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 1; Văn bản số 275/QLDA-DA2 ngày 10/7/2022 của Ban QLDA ĐTXD huyện Quốc Oai.
Tuy nhiên, sau khi xem xét đánh giá, tổ chuyên gia đã nhận thấy các tài liệu làm rõ về nhân sự của nhà thầu đính kèm nêu trên có dấu hiệu không trung thực. Cụ thể, theo Quy định tại Khoản 1, Điều 15 Nghị định 30/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ quy định về công tác văn thư: “Số và ký hiệu văn bản của cơ quan, tổ chức là duy nhất trong một năm, thống nhất giữa văn bản giấy và văn bản điện tử”; số của văn bản hành chính được ghi bằng số bắt đầu từ 01 và không được chèn thêm ký tự a,b,c…
Do đó, tổ chuyên gia đánh giá 2 văn bản số 63A/UBND và 63B/UBND ngày 2/7/2024 của UBND xã Cửu Cao không có giá trị pháp lý, có dấu hiệu của việc cố ý hợp thức hóa văn bản xác nhận của UBND xã Cửu Cao (phát hành lùi thời điểm, chèn số) nhằm mục đích đáp ứng trả lời làm rõ của nhà thầu.
Còn lại, văn bản số 275/QLDA-DA2 ngày 10/7/2022 của Ban QLDA ĐTXD huyện Quốc Oai cũng có dấu hiệu không trung thực: văn bản này được phát hành ngày 10/7/2022, trong khi đến tháng 3/2024 gói thầu mới được phê duyệt kết quả đấu thầu. Vì vậy, bên mời thầu đã tiến hành xác minh và đầy đủ căn cứ để khẳng định Ban QLDA ĐTXD huyện Quốc Oai không ban hành văn bản số 275/QLDA-DA2 nêu trên về việc chấp thuận thay đổi nhân sự tham gia thực hiện Gói thầu số 03: Thi công xây dựng công trình + thiết bị dự án Xây dựng trạm bơm tưới, tiêu xã Tân Hòa, huyện Quốc Oai.
Sau cùng, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh bị đánh giá không đạt do đã cung cấp các tài liệu không trung thực, đồng thời không được thay thế nhân sự khác theo quy định của E-HSMT.
“Một mình một ngựa” trúng loạt gói thầu tiết kiệm thấp
Theo dữ liệu từ hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia tính đến ngày 24/9/2024, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh đã tham gia 130 gói thầu, trúng 81 gói với tổng giá trị hơn 3.997 tỷ đồng. Danh sách các tỉnh thành mà doanh nghiệp này đã tham gia đấu thầu trải dài từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Bình Thuận, Hưng Yên, Bắc Ninh, Tp. Hồ Chí Minh…
Nghiên cứu một số gói thầu có giá trị lớn mà CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh đã trúng (trong cả vai trò liên danh và độc lập) với tổng giá trị trúng thầu hơn 1.013 tỷ đồng, số tiền tiết kiệm cho các đơn vị chủ đầu tư chỉ hơn 5 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trung bình 0,53%. Trong đó, nhiều gói chỉ có một mình doanh nghiệp này tham dự rồi trúng thầu, không có đối thủ cạnh tranh.
Có thể kể đến thời điểm năm 2022, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh đã trúng gói “Thi công xây dựng đoạn từ Km0 - Km2+920 tuyến chính và tuyến nhánh” do Ban QLXD và Bảo trì hạ tầng giao thông tỉnh Lạng Sơn làm chủ đầu tư với giá hơn 37,2 tỷ đồng mà không có đối thủ cạnh tranh, tiết kiệm khoảng 82 triệu đồng, tương ứng tỉ lệ 0,22% (Quyết định số 587/QĐ-BQLXD ngày 1/7/2022).
Cũng chỉ trong 2 tháng cuối năm 2022, ông Hoàng Trọng Tùng – Giám đốc Ban QLDA ĐTXD Công trình hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp Tp. Hà Nội phê duyệt cho CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh trúng liên tiếp 3 gói xây lắp do đơn vị này làm chủ đầu tư với giá trị lần lượt khoảng 165,2 tỷ đồng, 73,9 tỷ đồng và 44,2 tỷ đồng, tiết kiệm xấp xỉ 0,2% cho mỗi gói. (Quyết định số 357, 369 và 495/QĐ-BQLHTKT&NN).
Ở cả 3 gói này, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh đều “một mình một ngựa” tham dự và trúng thầu với vai trò nhà thầu độc lập.
Hay như tại Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi I, trong tháng 10/2023, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh liên danh cùng CTCP Bơm Châu Âu trúng liền 2 gói thầu trị giá lần lượt 195,9 tỷ đồng và 280,6 tỷ đồng mà không có đối thủ cạnh tranh. Tỉ lệ tiết kiệm đạt 0,07% và 0,41% (Quyết định số 705 và 745/QĐ-BQL-TTĐ).
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong công tác đấu thầu, tỉ lệ tiết kiệm được coi là một trong những thước đo chính xác nhất để đánh giá hiệu quả kinh tế, hiệu quả chi tiêu của mỗi địa phương, đơn vị. Dù không có quy định cụ thể về mức tiết kiệm bao nhiêu là đúng và đủ, nhưng thực tế, tỉ lệ tiết kiệm càng cao thì càng có lợi cho ngân sách đầu tư công, hạn chế lãng phí, thất thoát.
Nhiều lần dùng hợp đồng thi công xây dựng làm tài sản bảo đảm
Song song với việc trúng nhiều gói thầu có giá trị lớn, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh đã nhiều lần vay vốn tại các ngân hàng với tài sản thế chấp chủ yếu là quyền đòi nợ, các khoản phải thu phát sinh từ hợp đồng thi công xây dựng ký với các đơn vị chủ đầu tư.
Đơn cử như hợp đồng số 201759.24.057.2831911.BD ngày 05/04/2024 tại ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) – Chi nhánh Hoàn Kiếm, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh đã sử dụng quyền đòi nợ đã, đang và sẽ hình thành theo Hợp đồng thi công xây dựng công trình số 05/2024/HĐ-XD có hiệu lực ngày 28/03/2024 giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Quốc Oai và Liên danh CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh – công ty TNHH Tư vấn xây dựng CID để làm tài sản bảo đảm.
Cũng tại MBBank chi nhánh Hoàn Kiếm, theo hợp đồng số 110928.22.057.2831911.BD ngày 27/12/2022, tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ phát sinh từ Hợp đồng số 73/2022/HĐBQLHTKT&NN ngày 26/12/2022 giữa Ban QLDA ĐTXD Công trình hạ tầng kỹ thuật và Nông nghiệp Tp. Hà Nội và CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh.
Được biết, CTCP Xây dựng và Phát triển Kinh doanh được thành lập từ năm 2005. Tính đến tháng 9/2022, công ty có vốn điều lệ 24,5 tỷ đồng. Người đại diện là ông Phạm Anh Phương – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty, hiện đang nắm giữ 12,58% vốn, tương ứng 1,95 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông sáng lập của doanh nghiệp này còn có các cá nhân như Nguyễn Hải Hà (5,81%), Phạm Trung Kiên (21,541%) và các cổ đông khác nắm giữ 29,79%.