Tham dự cuộc họp có đại diện 19 địa phương vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi cùng đại diện Nhóm 6 Ngân hàng phát triển, bao gồm: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW).
Phát biểu chủ trì cuộc họp, ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đây là cuộc họp thứ ba nhằm tiếp tục rà soát lại tình hình triển khai năm 2024 và dự kiến vốn ngân sách Trung ương cấp phát lại cho các dự án ODA trên địa bàn 19 địa phương là các tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi. Từ đó, đưa ra các nội dung đối với các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, các địa phương chủ động phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương có liên quan để hoàn thiện các thủ tục, ký kết, bổ sung vào kế hoạch trung hạn theo quy định, để làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn trong dự toán năm 2025.
Ông Phạm Hoàng Mai đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá, rà soát kế hoạch vốn đầu tư công nguồn vốn nước ngoài để bổ sung vào kế hoạch trung hạn theo quy định, làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn trong dự toán năm 2025; đồng thời, rà soát, đánh giá các nội dung nhằm thúc đẩy giải ngân kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi đảm bảo phù hợp với các hiệp định vay về tổng mức, thời gian; thời hạn bố trí vốn đảm bảo nguyên tắc đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C;…
Tại cuộc họp, đại diện các địa phương vùng miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng các địa phương có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trình bày Báo cáo việc xây dựng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn nước ngoài năm 2025, trong đó nêu rõ về bội chi ngân sách, dự kiến kế hoạch vay lại và cấp phát phù hợp với quy định, vốn đối ứng của các dự án; Tình hình thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi; Các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện và kiến nghị một số nhiệm vụ, giải pháp cần sớm được tháo gỡ. Đại diện các đối tác phát triển và các bộ ngành thảo luận, làm rõ thêm các nội dung đối với Báo cáo của mỗi địa phương và đề nghị các địa phương tiếp tục nghiên cứu, rà soát xây dựng báo cáo đảm bảo phù hợp với các quy định chung cũng như phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương.