Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đại án Đăng kiểm: Giám đốc Trung tâm 50-05V phủ nhận chỉ đạo nhận hối lộ

Khai tại tòa, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V khẳng định, không chỉ đạo nhân viên nhận tiền từ các chủ phương tiện, nhưng các đăng kiểm viên lại khai nhận tiền theo chỉ đạo của giám đốc.

Ngày 29/7, phiên tòa xét xử đối với 254 bị cáo liên quan các sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bến Tre, Sóc Trăng, tiếp tục với phần xét hỏi.

Đại án Đăng kiểm: Giám đốc Trung tâm 50-05V phủ nhận chỉ đạo nhận hối lộ- Ảnh 1.

Các bị cáo thuộc Trung tâm đăng kiểm 50-06V.

Trong đó, tòa tập trung thẩm vấn, làm rõ hành vi của các bị cáo tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V và 50-06V.

Có tiền để trên xe thì "nhá đèn"

Trung tâm Đăng kiểm 50-05V trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, có địa chỉ tại phường An Phú Đông, quận 12, thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở An Phú Đông) và chi nhánh tại đường Hồng Hà, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh (Chi nhánh Hồng Hà).

Bị cáo Nguyễn Đình Quân là Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V từ năm 2013 đến tháng 5/2022; Trần Anh Tú – Phó Giám đốc phụ trách trung tâm.

Để có tiền hối lộ cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam và tăng thu nhập cho các nhân viên, bị cáo Nguyễn Đình Quân (Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V) đã đưa ra chủ trương cho phép các đăng kiểm viên ở cơ sở An Phú Đông và chi nhánh Hồng Hà nhận hối lộ của chủ phương tiện.

Khi xe đến đăng kiểm, đăng kiểm viên công đoạn 1 lên cabin xe kiểm tra người đi đăng kiểm có bỏ tiền vào vị trí như: cần gạt số, hộc đựng đồ trên cabin xe, trong bao thuốc lá để trên cabin,... hay không.

Nếu có tiền thì các đăng kiểm viên sẽ thông báo cho nhau biết và sẽ kiểm định qua loa, bỏ qua các lỗi không đạt của phương tiện và kiểm định "đạt" ngay lần kiểm định đầu tiên. 

Trường hợp trên xe không có tiền các Đăng kiểm viên sẽ kiểm tra kỹ và ghi nhận tất cả các lỗi và in phiếu kiểm định lần 1 "không đạt" và yêu cầu chủ xe phải khắc phục các lỗi này mới cho kiểm định lại lần 2.

Các chủ phương tiện khi xe kiểm định không đạt lần 1 sẽ không mang xe ra ngoài sửa chữa mà liên hệ trực tiếp với Đăng kiểm viên trong chuyền đưa hối lộ từ 150.000 đến 500.000 đồng để được bỏ qua các lỗi ở lần kiểm định thứ 2. 

Đăng kiểm viên của công đoạn "không đạt" sẽ trực tiếp lấy tiền hoặc phân công Đăng kiểm viên khác lấy tiền mà người đi đăng kiểm đã để trên xe để bỏ qua lỗi và cấp giấy chứng nhận đăng kiểm.

Số tiền nhận hối lộ các Đăng kiểm viên được tập hợp đưa cho Trưởng chuyền vào cuối ngày và phân chia cụ thể theo thỏa thuận trước.

Bằng cách thức trên, trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến tháng 11/2022, tổng số phương tiện kiểm định đạt tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V là 312.642 các loại; số tiền Cơ sở An Phú Đông đã nhận hối lộ là hơn 11,92 tỷ đồng; Tại chi nhánh Hồng Hà từ 2015 đến tháng 11/2022 đã nhận hối lộ là 27,74 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Quân (giám đốc trung tâm 50-05V) thừa nhận hành vi phạm tội, thừa nhận số tiền hưởng lợi. Quân khai tại tòa: "Bị cáo biết việc các đăng kiểm viên nhận tiền từ các chủ phương tiện, nhưng bị cáo không nhắc nhở vì một phần là để anh em kiếm thêm thu nhập, phần để trung tâm có tiền trang trải hoạt động".

Tuy nhiên, Quân cho biết không chỉ đạo nhân viên nhận hối lộ, và không yêu cầu số tiền cụ thể. "Việc các đăng kiểm viên nhận hối lộ là độc lập, bị cáo không chỉ đạo", Quân trình bày.

Trái ngược lời khai của Quân, các đăng kiểm viên tại Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đều khai việc nhận tiền của các chủ phương tiện là theo chỉ đạo của Quân.

Từ tháng 5/2024, bị cáo Quân nghỉ hưu, bị cáo Trần Anh Tú về phụ trách trung tâm. Khai tại tòa, bị cáo Tú cũng thừa nhận biết các đăng kiểm viên nhận hối lộ nhưng vẫn làm ngơ. Lý do là vì thời điểm phụ trách, Trung tâm Đăng kiểm 50-05V đang gặp khó khăn về tài chính nên cần tiền trang trải.

"Nếu xe có để tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm"

Tương tự, tại Trung tâm đăng kiểm 50-06V cũng có "luật ngầm". Bị cáo Nguyễn Thanh Long được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm 50-06V. Long đã chỉ đạo các trưởng chuyền, các đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi của các phương tiện đến đăng kiểm.

Khi xe vào Trung tâm đăng kiểm, nếu xe có để tiền thì sẽ bật đèn chiếu sáng trước và mở đèn cảnh báo nguy hiểm. Khi đến công đoạn 3, đăng kiểm viên xác định xe có để sẵn tiền hối lộ thì sẽ tắt đèn cảnh báo nguy hiểm.

Nếu trên xe không có để sẵn tiền hối lộ thì đăng kiểm viên vẫn để đèn cảnh báo nguy hiểm mở và nếu có lỗi sẽ không kiểm định đạt.

Bằng cách thức trên, từ tháng 8/2018 đến 5/2022, các đăng kiểm tại Trung tâm 50-06V đã nhận tổng cộng 16,2 tỷ đồng.

Bị thẩm vấn liên quan đến "luật ngầm" nêu trên, bị cáo Nguyễn Thanh Long (Giám đốc trung tâm) khai: "Bị cáo đã nghiêm cấm việc nhân viên nhận hối lộ, bỏ qua lỗi đăng kiểm không đạt, và chỉ cho phép thuộc cấp nhận tiền sau khi xe đăng kiểm đạt".

"Xe không có lỗi gì thì sao người ta đưa tiền"?, HĐXX chất vấn. 

Bị cáo Long đáp: "Bị cáo không được làm việc về nội dung phải chịu trách nhiệm hình sự chung đối với số tiền nhận hối lộ".

Trái lại, các đăng kiểm viên lại khai việc nhận tiền từ các chủ phương tiện là theo sự chỉ đạo của ban giám đốc trung tâm 50-06V. Đồng thời, các đăng kiểm viên cũng mong được xem xét lại số tiền phải chịu trách nhiệm chung và tiền hưởng lợi vì "chưa chính xác".

Trả lời về đề nghị trên, đại diện VKS cho rằng, trong quá trình điều tra, truy tố VKS và Cơ quan điều tra đã tạo điều kiện có lợi tối đa cho các bị cáo. Số liệu có được như trong cáo trạng nêu là căn cứ vào chính lời khai của các bị cáo, các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ để xác định.

Cũng tại phiên tòa, nhiều đăng kiểm viên thuộc Trung tâm Đăng kiểm 50-05V thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng đề nghị HĐXX xem xét lại số tiền nhận hối lộ mà cáo trạng buộc các đăng kiểm viên phải chịu trách nhiệm chung.

Theo nhiều bị cáo là cựu đăng kiểm viên, việc xác định lại số tiền chịu trách nhiệm chung rất quan trọng vì nó liên quan đến trách nhiệm hình sự của các bị cáo.

Về vấn đề trên, đại diện VKS khẳng định, số tiền nhận hối lộ của các đăng kiểm viên được cộng dồn trong một thời gian dài. Đây là con số cộng dồn và đã được cơ quan điều tra kết luận, cơ quan tố tụng không thể tự đưa ra một con số rồi áp cho bị cáo được.

Về lý do vì sao quy kết các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự chung về số tiền nhận hối lộ, đại diện VKS lý giải rằng, các đăng kiểm viên sau khi nhận hối lộ thì góp chung lại, rồi chia nhau theo thỏa thuận. Do đó, các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật hình sự và phải chịu trách nhiệm chung về số tiền mà các bị cáo khác đã nhận.

Võ Công Thư/Người đưa tin