Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Đầu tư trường đua: "Miếng bánh" ngon nhưng khó nuốt

Cho đến nay, đa phần dự án trường đua ngựa, đua chó tại Việt Nam có quy mô từ triệu USD cho đến cả tỷ USD đều vẫn đang nằm trên giấy.

Từ năm 2017, được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và căn cứ quy định của Luật Đầu tư, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý đã khiến nhiều chủ đầu tư trong và ngoài nước hào hứng muốn tham gia vào thị trường này. Tuy vậy, hầu hết các dự án vẫn đang ở dạng đề xuất đầu tư, chưa triển khai xây dựng, chưa tổ chức đặt cược.

Báo cáo tại phiên họp 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đối với đặt cược đua ngựa, đua chó, từ năm 2017 đến nay có 7 tỉnh, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư cho một dự án đầu tư trường đua ngựa (có đặt cược) tại huyện Sóc Sơn, Tp. Hà Nội.

Đây là Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng Trường đua ngựa được xây dựng tại xã Tân Minh và xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn với quy mô vốn đầu tư lên tới 9.577 tỷ đồng, tương đương 420 triệu USD với diện tích là 125 ha.

Năm 2007, Hanoi Touris và Global Consultant Network đã có văn bản đề xuất xin nghiên cứu dự án. 

Theo Đề cương điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thủ đô đến năm 2020, định hướng 2030 công bố vào năm 2018, UBND Tp.Hà Nội cho rằng khi dự án đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 5.000 lao động trực tiếp và 20.000 đến 25.000 lao động gián tiếp; mang lại nguồn thu thường xuyên tương đối lớn cho ngân sách thành phố.

Bên cạnh đó, việc xây dựng dự án nằm trong khu, điểm du lịch phía Bắc thủ đô sẽ bổ sung sản phẩm du lịch chất lượng cao cho địa bàn Sóc Sơn nói riêng và Hà Nội nói chung. 

Đồng thời, việc cấp phép, đầu tư, đưa vào hoạt động dự án trường đua ngựa Sóc Sơn sẽ giúp Hà Nội mỗi năm thu được từ 40 - 50 triệu USD thuế thu nhập doanh nghiệp, và khoảng 100 - 200 triệu USD thuế tiêu thụ đặc biệt từ hoạt động kinh doanh đua ngựa.

Tới tháng 10/2019, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội lúc đó đã trao quyết định đầu tư Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn cho Tập đoàn Charmvit - Hàn Quốc.

Sau nhiều năm "đắp chiếu" chủ trương đầu tư thì mới đây dự án này đã rục rịch có những động thái triển khai đầu tiên.

Trên thực tế, đã có rất nhiều doanh nghiệp nhìn thấy tiềm năng từ "canh bạc" này nhưng đến khi triển khai đầu tư xây dựng lại bỏ ngỏ giữa chừng, khiến những trường đua chó, đua ngựa vẫn chỉ là giấc mơ.

Trường đua ngựa Thiên Mã Madagui

Đầu tiên phải kể tới dự án Trường đua ngựa, đua chó Thiên Mã - Madagui - Câu lạc bộ Polo và ngựa biểu diễn, toạ lạc xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng do Công ty Thiên Mã làm chủ đầu tư.

Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu từ đầu năm 2011, tương ứng cách đây gần 14 năm trước.

Dự án có diện tích khoảng 69,81ha, với tổng vốn thực hiện dự tính khoảng 1.548,6 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng một trường đua ngựa, một trường đua chó, câu lạc bộ Mã cầu và ngựa biểu diễn tại huyện Đạ Huoai.

Dự án đã được thực hiện trong thời gian dài và đã nhiều lần điều chỉnh nhiều nội dung, đặc biệt là điều chỉnh tiến độ.

madagui-17280767887271795839488-1728352075.jpeg

Trường đua ngựa Thiên Mã Madagui có diện tích gần 70ha.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo chỉ rõ dự án Trường đua ngựa Thiên Mã – Madagui chưa thực hiện đúng tiến độ mặc dù được cấp phép rất sớm, tuy nhiên dự án mất 9 năm chưa giải phóng xong mặt bằng.

Đến thời điểm hiện tại, qua nhiều lần thay đổi chủ trương, mục tiêu thực hiện, dự án vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai xây dựng.

Gần nhất là vào tháng 11/2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định chấp thuận chủ trương điều chỉnh đầu tư dự án. Ngoài bổ sung mục tiêu xây dựng trường đua chó, dự án này được gia hạn tiến độ thêm 24 tháng, tức đến tháng 11/2025.

Đáng chú ý, công ty từng bị cơ quan quản lý xử phạt do tự ý tổ chức thi công 16 công trình, hạng mục trên đất chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất tại dự án theo đúng quy định.

Theo đó, Công ty Thiên Mã nhận về quyết định xử phạt 80 triệu đồng; buộc tháo dỡ 3/16 công trình không phù hợp quy hoạch; 13 công trình còn lại, công ty phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành

Dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành triển khai trên diện tích hơn 29.000m2 tại xã Xuân Thành (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) với tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng do Công ty Cổ phần đua chó Xuân Thành làm chủ đầu tư.

Dự án được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp giấy chứng nhận đầu tư vào giữa năm 2007 và chính thức hoàn thành vào cuối năm 2014.

Mặc dù đã hoàn thành về xây dựng hơn một thập kỷ, thế nhưng đến nay Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó 300 tỷ đồng ở Hà Tĩnh vẫn chưa thể đi vào hoạt động vì thiếu giấy phép kinh doanh đặt cược.

truong-dua-cho-300-ty-dong-treo-7-nam-chua-hoat-dong-1401-1728076880330523721093-1728352123.jpg

Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành có vốn đầu tư 300 tỷ đồng.

Nguyên nhân trung tâm đua chó buộc phải tạm ngưng vận hành sau ngày khai trương thí điểm vào năm 2018 do vướng tiêu chí Hà Tĩnh chưa được Thủ tướng phê duyệt dự án này vào trong danh mục dự án ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Trong công văn của UBND tỉnh Hà Tĩnh gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất điều chỉnh dự án Trung tâm dịch vụ thể thao giải trí đua chó Xuân Thành vào tháng 12/2023, tỉnh này cho hay dự án chưa thể hoạt động do chưa hoàn thành thủ tục bổ sung mục tiêu hoạt động kinh doanh đặt cược đua chó.

Trường đua ngựa Phú Yên

Dự án Trường đua ngựa Phú Yên đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016 với tổng mức đầu tư dự kiến dự án khoảng 100 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.

Dự án này dự kiến xây dựng tại phía Bắc Bãi Súng thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên do nhà đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Trường đua ngựa Phú Yên thực hiện.

Tổng diện tích sử dụng dự án khoảng 82,4115ha mặt đất và 13ha mặt biển, với quy mô thiết kế gồm: Sân vận động, khán đài, đường đua ngựa và đua chó với diện tích khoảng 50ha; khu nuôi, huấn luyện ngựa và đua chó, khu chăn nuôi, đường chạy để tập luyện, phòng thú y và chăm sóc cho ngựa, chó khoảng 10ha; khu dịch vụ, nhà điều hành, câu lạc bộ khoảng 10ha; hạ tầng kỹ thuật (hàng rào, điện, nước, sân đường, cây xanh cảnh quan) khoảng 12,4115ha.

img8658-17082339008982068441155-17280770018265536604-1728352176.jpg

Dự án Trường đua ngựa Phú Yên chết yểu do chủ đầu tư "bỏ xới".

Sau đó, tiến độ thực hiện dự án của nhà đầu tư được UBND tỉnh chấp thuận đã hết nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện hoàn tất các thủ tục liên quan đến đất đai, môi trường, xây dựng, chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện đầu tư xây dựng.

Mặc dù, UBND tỉnh, Sở KH-ĐT đã nhiều lần yêu cầu nhà đầu tư thực hiện góp đủ vốn chủ sở hữu và cung cấp tài liệu chứng minh năng lực tài chính để đảm bảo thực hiện dự án và thực hiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo qui định nhưng nhà đầu tư vẫn không thực hiện.

Kết cục cuối cùng của dự án là nhà đầu tư đã tự quyết định chấm dứt hoạt động dự án theo quy định và gửi lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Yên.

Không chỉ 3 dự án kể trên mà các dự án quy mô từ triệu USD cho đến tỷ USD đều vẫn đang nằm trên giấy như tại tỉnh Vĩnh Phúc (1,5 tỷ USD), Bắc Ninh (500 triệu USD), Đà Nẵng (200 triệu USD)…

Trong số các dự án đã đầu tư, được cấp phê duyệt, hiện duy nhất trường đua ngựa Đại Nam (Bình Dương) của ông chủ khu du lịch này vận hành, hoạt động từ cuối năm 2017 đến nay còn đa số các dự án khác đăng ký đầu tư trải dài từ Bắc vào Nam đều "chết yểu".

Từ hiện thực trên có thể thấy, dù đầu tư vào trường đua là "miếng bánh" béo bở mà nhiều nhà đầu tư nhắm tới nhưng dường như đây không phải một món ngon dễ nuốt.

Nguyễn Hồng Nhung/ Người Đưa Tin