Congo "đang trong tình trạng báo động cao nhất"
Thông tin từ giới chức địa phương cho biết, một căn bệnh chưa rõ nguyên nhân đã cướp đi sinh mạng của 143 người tại tỉnh Kwango, phía tây nam Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) trong tháng 11. Những người nhiễm bệnh có triệu chứng giống cúm, bao gồm sốt cao và đau đầu nghiêm trọng, theo ông Remy Saki - Phó thống đốc tỉnh Kwango, và ông Apollinaire Yumba - Bộ trưởng Y tế tỉnh.
Một đội ngũ y tế đã được cử đến khu vực y tế Panzi để thu thập mẫu bệnh phẩm và tiến hành phân tích nhằm xác định căn bệnh này. Tuy nhiên, tình hình rất đáng lo ngại khi số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh.
Được biết, Panzi là một khu vực y tế nông thôn, hiện đang gặp khó khăn trong việc cung cấp thuốc men cần thiết. Nhiều người mắc bệnh đã tử vong tại nhà do không được điều trị kịp thời. Ông Dieudonné Mwamba, Giám đốc Viện Y tế công cộng quốc gia Congo cho biết, Panzi là khu vực “yếu ớt” với 40% cư dân bị suy dinh dưỡng.
Phát biểu với các phóng viên tại Kinshasa, Bộ trưởng Y tế Congo Samuel Roger Kamba thông báo: "Chúng tôi đang trong tình trạng báo động cao nhất và coi đây là mức độ dịch bệnh cần theo dõi".
Trạm y tế Panzi nằm ở khu vực xa xôi, hẻo lánh của tỉnh Kwango, cách thủ đô Kinshasa của Congo khoảng 700km khiến việc tiếp cận điều tra về bệnh lạ khá khó khăn. Bộ trưởng Y tế Kamba tiết lộ các chuyên gia dịch tễ học phải mất hai ngày đường để đến được khu vực tập trung nhiều ca bệnh.
Trước đây, nơi này cũng đã bị ảnh hưởng bởi một trận dịch sốt thương hàn cách đây hai năm, và hiện đang có dấu hiệu bệnh cúm theo mùa bùng phát trở lại.
Giám đốc CDC Châu Phi, ông Jean Kaseya, cũng nhận định đợt bùng phát này làm rõ những thách thức trong việc phát hiện bệnh tật tại Congo - quốc gia rộng lớn nhưng có nhiều đợt bùng phát dịch bệnh chết người xảy ra đồng thời.
Một cư dân tại khu vực tên Claude Niongo - người có vợ và con gái 7 tuổi của anh đã tử vong vì căn bệnh này, cho biết: "Chúng tôi không biết nguyên nhân, nhưng tôi chỉ thấy sốt cao, nôn mửa... và cuối cùng là dẫn tới chết người. Bây giờ, chính quyền đang nói chuyện với chúng tôi về một dịch bệnh nhưng trong khi đó vẫn đang có vấn đề về việc chăm sóc (người bệnh) và mọi người đang chết dần".
Nhiều nước phải đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt
Theo WHO, viêm phổi cấp tính, cúm, COVID-19, sởi và sốt rét được coi là những yếu tố gây bệnh tiềm ẩn dựa trên các dấu hiệu và triệu chứng của người mắc bệnh, các nhóm ứng phó đang giúp điều trị bệnh nhân và nâng cao nhận thức về dịch bệnh trong cộng đồng bị ảnh hưởng. Sự bùng phát này cũng đã làm dấy lên mối lo ngại về sự xuất hiện của một tác nhân gây bệnh mới có khả năng lây lan khắp thế giới chỉ vài năm sau COVID-19.
Dịch bệnh bí ẩn bùng phát tại Congo đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á như Thái Lan, Nhật Bản và Hong Kong (Trung Quốc), phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan.
Tại Nhật Bản, Bộ Ngoại giao nước này đã ra khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch tới các khu vực bị ảnh hưởng trừ khi thật sự cần thiết. Các biện pháp này nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh nguy cơ bùng phát dịch bệnh mới vẫn đang được đánh giá.
Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) đã tăng cường kiểm tra sức khỏe tại sân bay đối với hành khách đến từ các trung tâm trung chuyển của châu Phi, đặc biệt là Johannesburg (Nam Phi) và Addis Ababa (Ethiopia). Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe Hong Kong cho biết hành khách từ các khu vực này sẽ được kiểm tra thân nhiệt và đánh giá y tế. Nếu phát hiện các triệu chứng nghi ngờ, họ sẽ được đưa đến bệnh viện để kiểm tra chi tiết.
Tại Thái Lan, chính quyền yêu cầu theo dõi chặt chẽ lộ trình di chuyển của hành khách, đặc biệt tại các sân bay và cửa khẩu biên giới, nơi được coi là tuyến đầu trong việc kiểm soát dịch bệnh. Các cơ quan y tế địa phương đã nhận lệnh phải cập nhật thường xuyên tình hình và giám sát sát sao mọi thông tin liên quan đến dịch bệnh từ Congo.
Những động thái này cho thấy các quốc gia đang hết sức thận trọng trong việc ngăn chặn nguy cơ lây lan của dịch bệnh bí ẩn này, đặc biệt sau những bài học từ đại dịch Covid-19.