KN Investment - Hệ sinh thái đa ngành
Doanh nhân Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 tại Thừa Thiên Huế. Trong khoảng thời gian từ năm 1978-1987, những bước chân đầu tiên đánh dấu hành trình kinh doanh của ông Kiểm bắt đầu từ công ty tư nhân trong lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi, sau đó lấn sân sang kinh doanh sản xuất sơn, bột màu và công ty dệt may.
Sau 1 thập kỷ từ 1991-2000, lĩnh vực kinh doanh của ông Kiểm không ngừng được mở rộng. Từ bất động sản, giải trí - nghỉ dưỡng đến đầu tư dự án hạ tầng, trong đó nổi tiếng phải kể đến dự án Nút giao thông Hàng Xanh (Tp.Hồ Chí Minh).
Hệ sinh thái KN Investment Group - tập đoàn hoạt động chủ yếu trong các mảng sân golf, bất động sản, khoáng sản và năng lượng tái tạo cũng dần hình thành.
Về sân golf, từ năm 2001, ông Kiểm đầu tư và xây dựng sân golf Long Thành - sân golf tư nhân đầu tiên tiên tại Việt Nam với quy mô 350 ha, tọa lạc xã Phước Tân, Tp.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tháng 1/2005, CTCP Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành (Golf Long Thành) chính thức ra đời, trở thành pháp nhân lõi trong hệ sinh thái KN Investment Group.
Hiện tại, Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành có vốn điều lệ gần 6.380 tỷ đồng, do bà Trần Cẩm Nhung, vợ ông Lê Văn Kiểm làm Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty.
Ngoài sân golf, Đầu tư và kinh doanh Golf Long Thành còn là là chủ đầu tư dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Long Thành (huyện Long Thành) với quy mô 843 ha.
Công ty cũng đầu tư dự án khách sạn 5 sao, khu biệt thự cao cấp và sân golf tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào) với quy mô 557,28 ha với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD. Năm 2012, dự án này được nâng lên thành đặc khu kinh tế Long Thành - Viêng Chăn với thời hạn cho thuê đất 99 năm.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH KN Cam Ranh được thành lập năm 2015, với thành viên góp vốn chính là Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành cũng là chủ sở hữu siêu dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise tại Cam Ranh, Khánh Hòa (quy mô 794,5ha, tổng mức đầu tư 46.266 tỷ đồng).
Dự án bao gồm một sân golf 27 hố, 3.292 shophouse, 900 căn biệt thự, 5.049 căn liền kề, 23.335 căn condotel cùng 12 khách sạn, spa resort tiêu chuẩn 4 -5 sao.
Trong đó, sân golf 27 hố là KN Golf Links, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018, quy mô 90 ha, gồm 18 hố The Links và 9 hố The Oasis.
Về tình hình kinh doanh, năm 2023, KN Cam Ranh ghi nhận vốn chủ sở hữu tăng 15,9% so với năm trước, từ 6./746 tỷ đồng lên 7.819 tỷ đồng.
Công ty báo lãi sau thuế 173 tỷ đồng, giảm 16% so với mức gần 207 tỷ đồng năm 2022. Kết quả, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 3% xuống 2%.
Trong khi đó, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vẫn giữ nguyên không xê dịch so với năm trước là 3,06 lần trong khi vốn chủ sở hữu tăng gần 1.000 tỷ đồng, tương đương nợ phải trả của KN Cam Ranh đã tăng từ hơn 20.000 tỷ lên gần 24.000 tỷ đồng trong năm 2023.
Trong đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ/vốn chủ sở hữu của công ty giảm từ 0,29 lần xuống 0,18 lần, tương đương 1.407 tỷ đồng, giảm 28% so với năm trước.
Loạt dự án năng lượng tái tạo "họ" KN
Không chỉ golf và bất động sản, mảng năng lượng tái tạo cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của doanh nhân Lê Văn Kiểm.
Đầu tiên phải kể đến Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh là chủ đầu tư Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) KN Vạn Ninh tại xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, có quy mô 120 ha, công suất 100MW với tổng vốn đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng.
KN Vạn Ninh được thành lập vào năm 2017 có trụ sở chính tại Bãi Dài, phường Cam Nghĩa, Tp.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Vốn điều lệ hiện tại là 500 tỷ đồng.
Người đại diện theo pháp luật của công ty là bà Lê Nữ Thuỳ Dương, con gái ông Lê Văn Kiểm. Công ty có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện.
KN Vạn Ninh khép lại năm 2023 với vốn chủ sở hữu tăng nhẹ so với năm trước lên gần 836 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản lãi sau thuế tăng mạnh so với năm trước, từ gần 750 triệu đồng lên gần 14,4 tỷ đồng. Nhờ vậy, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu của công ty tăng từ 0,09% lên 1,72%.
Dù vậy, nợ phải trả của công ty cũng tăng khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 1,46 lần lên 1,87 lần, tương đương nợ phải trả 1.562 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ trái phiếu phát hành riêng lẻ của công ty là 961,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bà Lê Nữ Thuỳ Dương còn là người đại diện pháp luật của CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm.
Công ty có trụ sở tại Bãi Dài, Phường Cam Nghĩa, Thành Phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất điện.
KN Cam Lâm được biết đến là chủ đầu tư của dự án ĐMT KN Cam Lâm tại xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa có công suất 50MWp.
Cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai sót, vi phạm khi triển khai dự án trên. Theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thẩm định, đã không tiếp thu đầy đủ ý kiến của EVN tại văn bản số 5237 ngày 7/11/2017 đối với hồ sơ bổ sung dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm vào Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa.
EVN đề nghị có giải pháp tổng thể trong công tác Quy hoạch phát triển các nguồn điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để phù hợp với nhu cầu và cơ sở hạ tầng lưới điện, tránh gây áp lực quá lớn lên việc đầu tư hệ thống điện truyền tải và đảm bảo hiệu quả chung của toàn xã hội.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa chưa hoàn thành việc xử lý khoản ngân sách Nhà nước đã chi giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục trước đây với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (theo báo cáo của UBND huyện Cam Lâm).
Về việc này, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Thông báo số 592 ngày 26/12/2022 kết luận, chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp với sở ngành để xử lý tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuê đất tại bãi vật liệu phục vụ thi công Hồ chứa nước Tà Rục theo đúng chỉ đạo của Bộ Tài chính và quy định của pháp luật.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân thuộc Bộ Công Thương và UBND tỉnh Khánh Hòa.
Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục khuyết điểm, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vấn đề kinh tế, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa rà soát, xử lý đối với các khoản ngân sách Nhà nước đã chi cho việc giải phóng mặt bằng thuộc dự án Hồ chứa nước Tà Rục với tổng số tiền 77,8 tỷ đồng (tạm tính).
Sau đó, tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất cho Công ty Cổ phần điện mặt trời KN Cam Lâm thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT KN Cam Lâm, cho CTCP Cam Lâm Solar thuê đất để thực hiện dự án Nhà máy ĐMT Cam Lâm VN theo đúng ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản số 997 ngày 28/1/2022.
Một cái tên đáng chú ý được nhắc đến là CTCP Cam Lâm Solar, doanh nghiệp này cũng do bà Lê Nữ Thùy Dương làm đại diện pháp luật, được thành lập vào tháng 7/2017. Doanh nghiệp này là chủ đầu tư dự án Nhà máy ĐMT Cam Lâm Việt Nam, đi vào hoạt động năm 2019 với công suất 50MWp.
Bà Lê Nữ Thuỳ Dương còn là người đại diện kiêm Tổng Giám đốc CTCP Điện mặt trời Ialy Gia Lai. Đây là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy Gia Lai có tổng kinh phí hơn 9.559 tỷ đồng, công suất 500 MWp.
Thông tin về chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Ialy Gia Lai.
Dự án nằm trên lòng hồ Nhà máy thủy điện Ialy, thuộc địa bàn thị trấn Ialy, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, với 575ha diện tích mặt nước và 23,07ha diện tích mặt đất để xây dựng khu vực trạm biến áp, khu quản lý vận hành, đường giao thông; 25,47ha hành lang của tuyến đường dây 500kV với 2,14 ha xây dựng móng trụ đường dây 500kV, dài 7,49km.
Ngoài ra, một dự án có chủ đầu tư là Golf Long Thành của ông Lê Văn Kiểm là nhà máy ĐMT tấm nổi KN Sêrêpốk 3 được thực hiện trên hồ thủy điện Sêrêpốk 3 (xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn), công suất 380 MWp.
Tháng 9/2020, UBND tỉnh Đắk Lắk đã công bố Công văn 8675 đề xuất Chính phủ bổ sung dự án Nhà máy điện mặt trời tấm nổi KN Sêrêpốk 3 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến 2030. Đây là dự án điện mặt trời tấm nổi đầu tiên tại Đắk Lắk được đề xuất đưa vào Quy hoạch.
Nhà máy sử dụng bằng công nghệ pin quang điện silic đa tinh thể, sản lượng điện dự kiến 621 kWh/năm, tổng mức đầu tư 6.226 tỷ đồng, diện tích mặt nước bố trí tấm pin 297,3 ha.
Giai đoạn 1 của dự án có công suất 60 MWp, sử dụng 52,3 ha mặt nước, dự kiến đi vào hoạt động năm 2021; giai đoạn 2 công suất 320 MWp, sử dụng 245 ha mặt nước, thực hiện giai đoạn sau năm 2021.