Cụ thể, ALT ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 30%, đạt mốc 89,4 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu trao đổi hàng hóa chiếm tỉ trọng lớn với 84%, tương ứng 75,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, do giá vốn tăng mạnh, lợi nhuận gộp chỉ thu về 6,1 tỷ đồng, sụt giảm tới 52%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng gấp đôi lên 1,7 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng cao, thế nhưng vẫn không đủ bù đắp các chi phí khác khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 3,4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 2,7 tỷ đồng). Các chỉ tiêu khác biến động không đáng kế.
Trừ đi thuế, ALT báo lỗ ròng 3,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 2,2 tỷ đồng. Đây là quý đầu tiên công ty kinh doanh thua lỗ sau hơn 2 năm, kể từ khoản lỗ 326 triệu đồng vào quý IV/2021.
Theo giải trình từ ban lãnh đạo ALT, công ty cho biết do doanh thu từ mảng dịch vụ, giải trí giảm mạnh dẫn đến thua lỗ, không bù được định phí. Ngoài ra, doanh thu từ mảng sản xuất tăng nhưng lợi nhuận thấp, dẫn đến lãi ròng sụt giảm so với cùng kỳ.
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên của ALT đã thông qua kế hoạch lợi nhuận cho năm 2024. Theo đó, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 7 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm 2023.
Với kết quả trên, sau 3 tháng đầu năm 2024, ALT vẫn còn cách rất xa so với mục tiêu lợi nhuận đề ra trong năm.
Tính đến cuối tháng 03/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp tăng nhẹ 5% lên hơn 345 tỷ đồng, tập trung phần lớn tại các khoản đầu tư tài chính tổng cộng 92,3 tỷ đồng (chiếm 26%), các khoản phải thu ngắn hạn 74,2 tỷ đồng (chiếm 21%) và hàng tồn kho 48,5 tỷ đồng (chiếm 14%).
Phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của ALT tăng 20% lên 127,9 tỷ đồng, 99% là nợ ngắn hạn. Nổi bật có khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng hơn 13 tỷ lên 52,2 tỷ đồng, tuy nhiên không được thuyết minh cụ thể. Bên cạnh đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 217,1 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên chiều 06/05, cổ phiếu ALT có giá tham chiếu 18.000 đồng/cp.