Thành phố cảng Alexandroupolis ở Đông Bắc Hy Lạp đang chuyển mình thành cửa ngõ năng lượng cho Trung và Đông Nam Âu với việc khởi động hoạt động thương mại của một đơn vị lưu trữ và tái hóa khí nổi (FSRU) mới.
Dự án đi vào hoạt động vào ngày 1/10, sau 30 tháng xây dựng và 15 năm ấp ủ ý tưởng. Liên doanh Gastrade cho biết, dự án LNG Alexandroupolis mới của họ là một trong những dự án năng lượng quan trọng nhất ở cấp độ châu Âu, khu vực, quốc gia và địa phương.
Dự án được Ủy ban châu Âu (EC) tài trợ một phần, nhằm mục đích tạo thêm việc làm cho địa phương, và đặc biệt là giảm sự phụ thuộc của khu vực này vào Nga về năng lượng.
Dự án Alexandroupolis bao gồm một bể chứa nổi (floating storage tank), một đơn vị tái khí hóa (regasification unit) – chuyển đổi khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trở lại thành khí, và một hệ thống đường ống (pipeline).
Dự án LNG Alexandroupolis cũng bao gồm một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dưới biển và trên bờ. Thông qua hệ thống truyền tải khí đốt tự nhiên quốc gia, dự án này sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên cho người tiêu dùng ở chính Hy Lạp cũng như ở các quốc gia châu Âu khác là Bulgaria, Romania, Bắc Macedonia, Serbia, Moldova và Ukraine ở phía Đông, cũng như Hungary và Slovakia ở phía Tây, Gastrade cho biết.
Ủy ban châu Âu (EC) đã phê duyệt khoản đầu tư hơn 157 triệu Euro cho giai đoạn đầu của dự án. Dự kiến dự án sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương bằng cách chuyển đổi phát thải CO2 thành 382 triệu Euro khi thay thế than và dầu bằng khí đốt.
"Nhìn vào Hungary, Ukraine và Moldova, chúng ta có thể thấy lượng khí đốt tự nhiên đầu vào hiện tại từ Nga trong cơ cấu nguồn cung khí đốt tự nhiên dài hạn tại khu vực này, bao gồm cả Hy Lạp, là khoảng 20 tỷ m3", bà Maria Rita Galli, CEO của DESFA, công ty vận hành hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên quốc gia của Hy Lạp, cho biết.
Để so sánh, dự án ở Hy Lạp sẽ có công suất xuất khẩu là 8,5 tỷ m3 vào đầu năm tới, vị CEO cho biết thêm. Cơ sở này có thể tái hóa khí LNG lên tới 5,5 tỷ m3 khí mỗi năm.
Hệ thống đường ống mới là cửa ngõ quan trọng để LNG chảy đến các khu vực khác ở Đông Nam Âu – một khu vực giống như Trung Âu, phụ thuộc khá nặng nề vào khí đốt Nga.
EU đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn khí đốt Nga trong cơ cấu năng lượng của khối 27 quốc gia này vào năm 2027.