Tại Khoản 2 Điều 62 Luật Nhà ở năm 2014 (đã hết hiệu lực từ ngày 1/8/2024), thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở xã hội tối thiểu là 5 năm và không quy định thời hạn tối đa của hợp đồng thuê nhà ở xã hội.
Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024) không còn quy định nội dung này và cũng không quy định thời hạn tối đa của hợp đồng thuê nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 170 Luật Nhà ở năm 2023 quy định đối với thời hạn thuê nhà ở như sau:
1. Bên cho thuê và bên thuê nhà ở được thỏa thuận về thời hạn thuê, giá thuê và hình thức trả tiền thuê nhà ở theo định kỳ hoặc trả một lần; trường hợp Nhà nước có quy định về giá thuê nhà ở thì các bên phải thực hiện theo quy định đó".
Tại Khoản 4 Điều 191 Luật Nhà ở năm 2023 quy định về trách nhiệm của Bộ Xây dựng:
Điều 191. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng
Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về nhà ở theo thẩm quyền; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về nhà ở, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; ban hành mẫu hợp đồng mua bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư, nhà ở thuộc tài sản công.
Bên cạnh đó, tại Thông tư số 05/2024/TT-BXD ngày 31/7/2024 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở (Mẫu số 03 Phụ lục VI Hợp đồng thuê nhà ở xã hội) trong đó có nêu rõ:
Thời hạn thuê nhà ở Các bên tự thỏa thuận về thời hạn thuê nhưng tối đa không vượt quá 5 năm. Đối với nhà ở xã hội chỉ để cho thuê thì thời hạn tối đa là 10 năm.
Căn cứ theo quy định trên, bạn đọc đối chiếu với trường hợp của mình để thực hiện.