Australia và Elon Musk đã leo thang cuộc khẩu chiến về vấn đề kiểm duyệt sau khi Tòa án Liên bang Australia ra lệnh cho nền tảng X xóa đoạn video về vụ đâm giám mục Mar Mari Emmanuel ở nhà thờ Sydney. Cụ thể, ngày 22/4, một thẩm phán Australia đã ra phán quyết X phải chặn người dùng trên toàn thế giới truy cập các video về vụ đâm dao sau khi eSafety - cơ quan giám sát internet nước này muốn có một lệnh cấm. Tòa án đã ban hành lệnh cấm toàn cầu tạm thời sau khi X phản đối thông báo xóa bài đăng của ủy viên eSafety Julie Inman Grant vào tuần trước.
Ngày 23/4, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết chính phủ chuẩn bị đối phó với Musk. Ông Albanese gọi Musk là "tỷ phú kiêu ngạo, người cho rằng mình đứng trên luật pháp, trên cả những khuôn phép bình thường".
"Những gì mà Ủy viên eSafety đang làm là thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của người dân Úc và việc ai đó đưa ra tòa để đòi quyền đăng tải nội dung bạo lực lên một nền tảng cho thấy ông Musk thật lạc hậu. Mạng xã hội cần đi kèm với trách nhiệm xã hội. Ông Musk không hề thể hiện điều này", Thủ tướng Albanese nói với đài ABC. Trước đó, ông Albanese nói việc X quyết định thách thức thông báo của ủy viên eSafety là điều "bất thường" và đây không phải vấn đề quyền tự do ngôn luận.
Tỷ phú Elon Musk đã mua nền tảng Twitter vào năm 2022, sau đó đổi tên thành X. Hôm nay, ông cho biết bản thân sẽ chống lại lệnh của tòa án Liên bang Australia. "Mối lo ngại của chúng tôi là nếu có bất kỳ quốc gia nào dược kiểm duyệt nội dung cho tất cả các quốc gia khác, đó là điều mà ủy viên eSafety của Úc đang yêu cầu, thì điều gì sẽ cản những nước khác đòi kiểm duyệt toàn bộ Internet?", Musk nói trên X. "Chúng tôi đã kiểm duyệt nội dung gây tranh cãi đối với Úc, trong khi chờ kháng cáo pháp lý và nội dung đó chỉ được lưu trữ trên các máy chủ tại Mỹ".
Trước đó, Musk đã đăng một meme mô tả X là người ủng hộ tự do ngôn luận còn các nền tảng khác ủng hộ kiểm duyệt và tuyên truyền, với chú thích: “Đừng chỉ nghe lời tôi, hãy hỏi Thủ tướng Úc xem!”
Chính phủ Australia đã đổ lỗi cho các bài đăng trên mạng xã hội liên quan đến vụ tấn công Emmanuel làm gia tăng căng thẳng trong cộng đồng đa văn hóa ở Sydney. Emmanuel, một nhà lãnh đạo bảo thủ nổi tiếng của Hội thánh Christ The Good Shepherd ở Wakeley, phía tây Sydney, bị tấn công trong một buổi lễ hôm 15/4 và bị nhiều vết thương ở đầu. Hơn 50 cảnh sát bị thương và 20 xe cảnh sát bị hư hại trong một cuộc bạo loạn bên ngoài nhà thờ sau đó. Emmanuel sau đó đưa ra thông điệp nói mình vẫn ổn và phục hội nhanh chóng, đồng thời tha thứ cho kẻ tấn công mình. Đến ngày 19/4, cảnh sát đã buộc tội khủng bố một thiếu niên 16 tuổi liên quan đến vụ đâm dao.
Theo Đạo luật An toàn Trực tuyến được thông qua vào năm 2021, Australia đã đi đầu trong nỗ lực buộc các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về nội dung đăng trên nền tảng của họ.
Xem thêm: 80 trận động đất liên hoàn khiến Đài Loan rung chuyển từ đêm đến rạng sáng
Bảo Linh (Theo aljazeera)