Ông Đào Văn Tâm tại thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc (Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu) chăm sóc đàn lợn. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Nguyên nhân được cho là thiếu hụt nguồn lợn cục bộ trong nước đã đẩy giá lợn tăng lên. Lợn hơi bán được giá và có xu hướng tăng khiến người chăn nuôi rất phấn khởi, đồng thời cũng tích cực tái đàn đáp ứng nguồn cung.
Ông Đào Văn Tâm, ngụ thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu), đang nuôi 70 con lợn; trong đó, có 65 con lợn thịt và 5 con lợn nái. Ông Tâm cho biết, thời điểm mùng 6 Tết Nguyên đán ông có xuất chuồng 1 đàn lợn 11 con, với giá 70.000 đồng/kg, khi đó mỗi con lợn lãi 2,5 triệu đồng. Đến nay, giá lợn hơi đã tăng lên 82.000 đồng/kg, ông tiếp tục có đàn 21 con chuẩn bị được xuất bán.
“Với giá bán như hiện nay, người chăn nuôi lãi 3 triệu đồng/con. Giá lợn hơi tăng cao người chăn nuôi rất phấn khởi, có động lực để tái đàn sau nhiều năm giá lợn hơi xuống thấp nhiều người phải “treo chuồng” do giá quá thấp”, ông Tâm phấn khởi cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tỏa, ngụ xã Bình Ba, huyện Châu Đức khi thấy giá lợn hơi tăng cao ông cũng vừa tái đàn khoảng 60 lợn thịt. Ông cho biết: “Thời tiết từ đầu năm đến nay khá thất thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh, vì vậy, đợt này bắt lợn con nuôi. Tôi chú trọng tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng các loại bệnh cho lợn như: dịch tả châu Phi, Ecoli, viêm phổi… Đồng thời, bổ sung vi chất vào thức ăn, vệ sinh chuồng trại cẩn thận”.
Cùng chung niềm vui này chị Lê Thu Kim, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “Hiện nay, giá bán lợn hơi tăng cao nên bà con rất phấn khởi. Những hộ nuôi nhỏ lẻ xung quanh xem tình hình rồi cũng bắt đầu chăn nuôi lợn trở lại với mong muốn thu lợi nhuận cao để phát triển kinh tế gia đình. Hiện tại, gia đình tôi có khoảng 20 con lợn hơn 2 tháng tuổi đang phát triển tốt. Với xu hướng hiện nay thì tôi thấy mô hình chăn nuôi này khá triển vọng, tạo được thu nhập khá cho bà con nông dân vùng nông thôn".
Trong khi đó, tại các chợ, giá bán thịt lợn cũng đang ở mức cao. Cụ thể, thịt nạc có giá 130.000 đồng/kg, sườn giá 150.000 đồng/kg, ba rọi giá 150.000 đồng/kg. Dù giá cao nhưng sức mua vẫn không giảm so với tháng trước.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, giá lợn hơi tháng 1/2025 tăng khoảng 10 - 12% so với cuối năm 2024, dao động từ 66.000 - 69.000 đồng/kg. Sang tháng 2, mặt hàng này tiếp tục tăng, lên 72.000 - 78.000 đồng/kg, tăng khoảng 15 - 18% so với tháng 1.
Đến tháng 3, giá lợn hơi tăng lên 79.000 - 82.000 đồng/kg tại Nam Trung Bộ. Tại Đồng Nai ngày 6/3, giá kỷ lục được ghi nhận là 83.000 đồng/kg. Đến trung tuần tháng 3, giá có dấu hiệu chững lại và giảm nhẹ ở 3 miền. Hiện, giá lợn hơi bình quân tại miền Bắc dao động khoảng 74.000 - 75.000 đồng/kg, miền Trung từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, miền Nam là 80.000 - 81.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, ước tính người chăn nuôi đang lãi từ 15.000 - 20.000 đồng/kg,
Thực tế, nguyên nhân giá bán thịt lợn tăng là do trong mùa mưa năm trước, các tỉnh phía Bắc bị cơn bão số 3 “càn quét” hết gia súc, gia cầm, đến nay người chăn nuôi chưa kịp phục hồi dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào cuối năm 2024 gây ảnh hưởng đến việc tái đàn của bà con chăn nuôi các tỉnh phía Bắc, nguồn cung bị đứt gãy nên con giống bị khan hiếm, số lượng cung thấp hơn nhu cầu dẫn đến giá cả liên tục tăng cao.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 2546/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến vấn đề thịt lợn và giá thịt lợn hơi. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, hiệp hội, doanh nghiệp đánh giá tình hình thị trường; kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan, địa phương triển khai các giải pháp đảm bảo cung cầu, tập trung đẩy mạnh chăn nuôi, tái đàn và kiểm soát dịch bệnh…; kiểm soát khâu trung gian, thực hiện nghiêm các chỉ đạo về điều hành giá; báo cáo cơ quan có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y, tại các địa phương số lượng chăn nuôi nông hộ đang giảm nhiều, nguyên nhân là do trước đây giá lợn ở mức thấp, cùng với tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp dẫn đến thua lỗ, vì vậy bà con dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để dễ phát triển kinh tế. Trong khi hiện nay nhu cầu thực phẩm đang tăng cao, số lượng hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngoài ra, do thắt chặt quản lý môi trường, tổng rà soát lên kế hoạch di dời trang trại lớn, chăn nuôi gia công ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi. Do đó, nhiều thời điểm, trại thương phẩm, trại gia công để trống chuồng hoặc đưa vào nuôi không hết công suất.
Hơn nữa, giá lợn hơi tại Việt Nam đang cao hơn so với nhiều nước lân cận như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar (khoảng 56.000 - 63.000 đồng/kg).
Một hạn chế mà các chuyên gia đưa ra đó là nhiều địa phương trên cả nước đang thúc đẩy phát triển đô thị, xây dựng hạ tầng. Không gian dành cho phát triển chăn nuôi vì thế bị co hẹp. Điều ấy đặt ra những thách thức cho nghiên cứu khoa học, thích ứng với tình hình mới như xây dựng quy chuẩn phát triển chăn nuôi đô thị. Bên cạnh đó, việc đầu tư tăng cường năng lực kiểm dịch động vật tại khu vực biên giới, cửa khẩu còn hạn chế. Hiện nhiều trạm phải quản lý cùng lúc 6 - 7 cửa khẩu, đường mòn, lối mở, dẫn đến khó đảm bảo công tác kiểm dịch. Vì vậy, cần sớm cải tạo, nâng cấp những khu kiểm dịch này, tạo điều kiện cho cán bộ trong ngành yên tâm công tác.
Trước tình hình giá lợn hơn tăng cao, động lực để người chăn nuôi tích cực tái đàn, nhiều địa phương khuyến cáo khuyến cáo bà con chăn nuôi cần nắm thông tin thị trường, không nên đầu tư, tái đàn ồ ạt tránh trường hợp thị trường xấu đi thì có khả năng sẽ bị thua lỗ. Bên cạnh đó, phải đảm bảo về vấn đề chăn nuôi an toàn, giữ vệ sinh chuồng trại, chú ý thức ăn, nước uống và cách ly đối với các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh như chuột, ruồi muỗi, con người ra vào chuồng trại.
Các địa phương cũng khuyến cáo bà con tiêu độc sát trùng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, phối hợp tiêm phòng vaccine để tránh nguy cơ dịch bệnh, đảm bảo tái đàn chăn nuôi an toàn, hiệu quả.