Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Giẫm phải cây tăm xỉa răng, người đàn ông suýt mất cả bàn chân

Chủ quan với vết đâm nhỏ do giẫm phải cây tăm, người đàn ông suýt mất cả bàn chân vì vi khuẩn xâm nhập, gây hoại tử và nhiễm trùng nặng.

Tiểu Vương, sống tại Trung Quốc, sau khi ăn xong đã tiện tay cắm ngược cây tăm vừa dùng vào một cục đất nặn đồ chơi đặt dưới sàn nhà. Khi đứng dậy, do trượt chân và mất thăng bằng, anh không may giẫm thẳng vào cây tăm. Mũi nhọn của cây tăm xuyên vào lòng bàn chân phải.

Cảm giác đau nhói ban đầu khiến anh giật mình, nhưng vì vết thương chỉ là một lỗ nhỏ, gần như không chảy máu, Tiểu Vương tự rút tăm ra rồi bỏ qua, không sát trùng hay băng bó gì.

Tuy nhiên, vài ngày sau, chỗ đâm bắt đầu sưng đau, ngày càng trầm trọng khiến anh đi lại khó khăn. Một tuần sau, vết thương mưng mủ, vùng da quanh đỏ rực, chỉ cần chạm nhẹ cũng đau nhức dữ dội.

Tại bệnh viện, các bác sĩ phát hiện lòng bàn chân phải của Tiểu Vương đã bị hoại tử, sưng tấy, nóng rát, thậm chí mềm nhũn do ổ mủ lớn tích tụ bên dưới. Đáng lo hơn, vùng bắp chân – nơi không có vết thương – cũng bắt đầu sưng đỏ do nhiễm trùng lan rộng.

tam-1753691352.png
Ảnh minh họa

Bệnh nhân lập tức được chỉ định nhập viện điều trị khẩn cấp. Sau khi chọc hút ổ viêm, bác sĩ thu được lượng lớn mủ đặc, mùi hôi nồng. Kết quả cấy mủ cho thấy bệnh nhân nhiễm cùng lúc ba loại vi khuẩn nguy hiểm: Streptococcus constellatus, Streptococcus anginosus và Streptococcus intermedius. Cả ba đều là vi khuẩn thường trú trong khoang miệng con người.

Theo bác sĩ điều trị, chính cây tăm dùng để xỉa răng – chưa qua vệ sinh – khi đâm vào chân đã mang theo vi khuẩn từ khoang miệng vào mô mềm. Cộng thêm việc bệnh nhân không xử lý đúng cách ban đầu, các vi khuẩn có cơ hội sinh sôi, gây viêm nhiễm nghiêm trọng.

Rất may, sau thời gian điều trị tích cực, ổ mủ được kiểm soát, mô hoại tử được loại bỏ và tình trạng viêm đã được ngăn chặn. Hiện bệnh nhân đã hồi phục và được xuất viện.

Cảnh báo từ chuyên gia: Đừng xem nhẹ những vết thương nhỏ

Ủy ban Y tế Thâm Quyến (Trung Quốc) khuyến cáo: bất kỳ vết thương nào do dị vật đâm – kể cả nhỏ – cũng có thể trở thành cánh cửa cho vi khuẩn xâm nhập. Do đó, cần xử lý kịp thời theo 4 bước cơ bản:

Ép nhẹ vết thương để đẩy máu bẩn ra ngoài.

Rửa sạch bằng nước chảy và xà phòng.

Khử trùng bằng dung dịch sát khuẩn.

Băng lại bằng gạc vô trùng hoặc băng cá nhân.

Nếu trong vòng 48 giờ sau khi bị thương, xuất hiện các dấu hiệu như sưng tấy, mưng mủ, đau nhức tăng… cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt. Đừng để sự chủ quan khiến bạn phải đánh đổi cả bàn chân – hay thậm chí là tính mạng.

Thu Giang (T/H)