Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hà Nội dự chi 87.000 tỷ đồng làm cầu, đường sắt đô thị

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố đặt mục tiêu giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt chú trọng vào các dự án trọng điểm như cầu và đường sắt đô thị.

Tại hội nghị giữa Chính phủ và các địa phương về tăng trưởng kinh tế ngày 21/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết để đạt được mức tăng trưởng từ 8% trở lên, quy mô nền kinh tế của Hà Nội năm 2025 cần đạt 1,6 triệu tỷ đồng – tương đương với mức tăng khoảng 130.000 tỷ đồng so với năm 2024 – chiếm khoảng 12,6% GDP cả nước.

Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cần đạt khoảng 622.7000 tỷ đồng, đồng thời kim ngạch xuất khẩu tăng 7%, vượt mốc hơn 20 tỷ USD. Tính đến ngày 20/2, Hà Nội đã thu ngân sách được 171.000 tỷ đồng, chiếm 34% kế hoạch dự toán cho năm 2025.

Hà Nội sẽ tập trung khai thác và phát huy các động lực, nguồn lực truyền thống. Về nguồn đầu tư công, thành phố đặt mục tiêu giải ngân 87.000 tỷ đồng trong kế hoạch, đặc biệt chú trọng vào các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm như cầu và đường sắt đô thị, đồng thời tiếp tục rà soát khoảng 200 dự án đang chậm triển khai.

Liên quan đến việc phát triển đường sắt đô thị, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội đã ban hành hàng loạt cơ chế đặc biệt cho Hà Nội về cả huy động vốn, trình tự thủ tục, vật liệu xây dựng, phát triển đô thị theo mô hình TOD... để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị.

Được biết, theo kế hoạch phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, các dự án đầu tư trước 2035 gồm:

Tuyến 1: Ngọc Hồi - Yên Viên - Như Quỳnh (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, đoạn Gia Lâm - Dương Xá).

Tuyến 2: Nội Bài - Thượng Đình - Bưởi (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, đoạn Nam Thăng Long - Nội Bài, đoạn kéo dài đi Sóc Sơn).

Tuyến 2A: Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai (đoạn Cát Linh - Hà Đông đã đưa vào khai thác từ 6/11/2021, đoạn kéo dài đi Xuân Mai).

Tuyến 3: Trôi - Nhổn - Yên Sở (đoạn Nhổn - ga Hà Nội - hiện đoạn Nhổn - Cầu Giấy đã đưa vào khai thác từ 8/8/2024, đoạn ga Hà Nội - Yên Sở, đoạn Nhổn - Trôi và kéo dài đi Sơn Tây).

Tuyến 4: Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà.

Tuyến 5: Văn Cao - Hòa Lạc.

Tuyến 6: Nội Bài - Ngọc Hồi.

Tuyến 7: Mê Linh - Hà Đông.

Tuyến 8: Sơn Đồng - Mai Dịch - Vành đai 3 - Lĩnh Nam - Dương Xá; tuyến vệ tinh: Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai.

Các dự án đầu tư sau năm 2035 gồm: Tuyến 2: đoạn từ Trần Hưng Đạo - Chợ Mơ - Ngã Tư Sở - Hoàng Quốc Việt; tuyến 7: đoạn Mê Linh - Nội Bài; tuyến 1A: Ngọc Hồi - Sân bay thứ 2 phía Nam; tuyến 9: Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá; tuyến 10: Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa; tuyến 11: Vành đai 2 - trục phía Nam - Sân bay thứ 2; tuyến 12: kéo dài tuyến vệ tinh từ Xuân Mai đi Phú Xuyên.

Hoàng Sơn/VNF