Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hà Nội: Dự kiến cấm xe máy xăng ở những tuyến phố này từ 1/7/2026

Hà Nội sẽ thực hiện lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe chạy bằng xăng, dầu) lưu thông trong Vành đai 1.

Thông tin trên VnExpress, theo lộ trình Thủ tướng yêu cầu, từ tháng 7/2026, xe máy chạy xăng sẽ không được phép lưu thông trong khu vực vành đai 1 Hà Nội, bao gồm các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Đây là khu vực tập trung hơn một triệu dân, cùng hàng trăm nghìn người từ ngoại thành và các tỉnh lân cận đổ về mỗi ngày, với mật độ phương tiện cá nhân rất cao.

Báo Dân trí đưa tin, theo quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường Vành đai 1 sau khi hoàn thành sẽ khép kín khu vực nội đô, vùng lõi của thủ đô.

882fdf00-78bf-48e2-ae4d-01c908-1578-7085-1752459364-1752460590.webp
Vành đai 1, TP Hà Nội. Đồ họa: Tiến Thành

Các tuyến đường, phố này gồm Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái.

Vành đai 1 chạy qua địa bàn các quận Cầu Giấy, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa (cũ). Vành đai này cũng là trục chính đô thị kết nối từ Đông sang Tây, đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội với tổng chiều dài 7,2km.

Vành đai 1 của Hà Nội vẫn chưa được khép kín, đoạn từ Hoàng Cầu tới Voi Phục đang thi công và đã chậm tiến độ nhiều lần.

Theo quy hoạch, Hà Nội có 7 đường vành đai, trong đó Vành đai 4 đang thi công và Vành đai 5 chưa hình thành. Trong 5 tuyến vành đai còn lại gồm Vành đai 1, 2, 2,5, 3, 3,5, có Vành đai 3 đã hoàn thiện, còn lại đều đang xây dựng hoặc chờ dự án.

Theo VnExpress, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho hay, việc loại bỏ xe máy xăng sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí và giảm tiếng ồn đô thị, nhưng chỉ đạt hiệu quả nếu có phương tiện thay thế khả thi. Trong bối cảnh giao thông công cộng Hà Nội hiện mới đáp ứng khoảng 19% nhu cầu đi lại - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 30-35% vào năm 2025 - thì việc dừng xe máy xăng sẽ tạo áp lực rất lớn nếu không có giải pháp bổ sung kịp thời.

Vì vậy, ông đề xuất thành phố ưu tiên tăng tần suất, mở rộng mạng lưới xe buýt, sớm vận hành thêm các tuyến metro để nâng năng lực vận chuyển khối lượng lớn. Ngoài ra, Hà Nội nên bổ sung các loại phương tiện linh hoạt như xe điện mini 10-12 chỗ, có thể vận hành trong ngõ hẹp, phục vụ chặng ngắn, trung chuyển đến các trục chính.

TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng việc cấm xe máy xăng sẽ khiến người dân từ ngoại thành phải dừng phương tiện cá nhân chạy xăng tại vành đai 1 để chuyển sang phương tiện khác. Do đó, thành phố cần xây dựng hệ thống bãi đỗ xe chuyển tiếp tại các khu vực giáp ranh, kết nối thuận tiện với xe buýt, metro hoặc xe điện trung chuyển. "Quỹ đất hạn chế sẽ là rào cản lớn, đòi hỏi quy hoạch đồng bộ và sớm triển khai đầu tư hạ tầng", bà Bình nói.

Ngoài ra, để giảm lượng phương tiện cá nhân trong giờ cao điểm, bà cho rằng thành phố có thể phối hợp với các trường học, khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn để tổ chức xe đưa đón học sinh, người lao động, hạn chế nhu cầu đi lại tự phát.

Hà Nội hiện có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô, khoảng 6,9 triệu xe máy. Số xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm hơn 72% làm gia tăng mức phát thải chất độc hại vào không khí nếu các xe cũ không được bảo dưỡng thường xuyên.

Tháng 12/2024, HĐND TP Hà Nội đã thông qua nghị quyết thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ), có hiệu lực từ 1/1/2025.

Theo đó, trong giai đoạn 2025-2030, Hà Nội sẽ thí điểm chính sách này tại quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và khuyến khích nhân rộng sang các địa bàn khác. Sau năm 2031, việc thực hiện vùng LEZ sẽ là bắt buộc tại các khu vực có nguy cơ cao.

 

Nhật Hạ (t/h)