
Theo báo Dân trí, lúc 16h10 chiều 19/7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị dông sét và ra đa thời tiết phát hiện thấy vùng mây đối lưu đang phát triển và gây mưa cho khu vực phía Bắc Hà Nội, đang di chuyển và mở rộng sang khu vực nội thành.
Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định trong khoảng từ 10 phút đến 3 giờ tới, vùng mây này gây mưa cho các khu vực trên, sau đó sẽ lan sang các phường, xã khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Theo dự báo, đến đầu giờ chiều 20/7, bão Wipha (bão số 3) di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và đã mạnh lên cấp 11-12, giật cấp 15. Thời điểm này bão hoạt động trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 370km về phía Đông.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết đây là một cơn bão mạnh, di chuyển nhanh (trung bình khoảng 20km/h) có vùng mưa lớn và gió mạnh lệch về phía tây và phía nam.
Ông Lâm cảnh báo do ảnh hưởng của bão, nguy cơ lớn nhất, nguy hiểm nhất trong 24 giờ tới là gió mạnh, sóng lớn trên khu vực phía Bắc và giữa của Biển Đông (vùng biển đặc khu Hoàng Sa); vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông là nơi bão đi qua có cường độ gió cấp 10-12, gió giật cấp 15.
Từ khoảng ngày 20-21/7, các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… có khả năng chịu ảnh hưởng lớn của gió mạnh và mưa lớn do bão Wipha, theo ông Lâm.
Vị chuyên gia nhận định khoảng gần sáng và ngày 22/7, vùng biển ven bờ khu vực từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa bắt đầu chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mạnh, mưa lớn và nước dâng. Sóng lớn kết hợp thủy triều ở mức cao có thể gây ngập úng những khu vực trũng, thấp tại ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng (từ trưa và chiều các ngày 21-23/7).
Trên đất liền, ông Lâm nhận định phạm vi ảnh hưởng của bão Wipha rộng, hầu khắp khu vực phía Đông Bắc Bộ, một số địa phương sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa.
"Dự báo bão Wipha sẽ gây ra đợt mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Trong đó, ở trung du và vùng đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An thời gian mưa từ ngày 21-24/7, có nơi sẽ có mưa lớn cục bộ với lượng mưa trên 150mm/3 giờ", ông Lâm dự báo.
Trên báo Tuổi trẻ, chị Hương Ly (ngụ ở phường Nghĩa Đô) cho biết từ khoảng gần 16h chiều nay, khu vực quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy (cũ) trời tối sầm lại kèm theo gió mạnh từng cơn như gió bão, bầu trời mù mịt bụi.
Đến khoảng 16h15, trời bắt đầu đổ mưa lớn kèm theo những cơn gió mạnh khiến cây cối nghiêng ngả.
Tại phường Đại Mỗ (Hà Nội), cơn dông kéo đến cũng khiến đường mù mịt, cây cối nghiêng ngả, nhiều người đi đường không thể di chuyển phải tấp vào lề đường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Mai Văn Khiêm - giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết mưa dông kèm theo gió mạnh ở các tỉnh phía Bắc chiều nay (19-7) không phải do hoàn lưu bão số 3 (Wipha). Rìa hoàn lưu bão có thể gây mưa dông cho đất liền nước ta từ chiều tối và đêm mai (20-7).
"Mưa dông chiều nay ở Bắc Bộ hình thành do hội tụ gió trên dọc rãnh thấp vắt qua Bắc Bộ theo hướng Tây Bắc - Đông Nam" - ông Khiêm thông tin thêm.
Một số hình ảnh của báo Tuổi trẻ:



