Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hàng hải Đông Đô (DDM) giải thích thế nào về ý kiến kiểm toán ngoại trừ và khoản lỗ hơn 100 tỷ đồng năm 2023?

Do thị trường vận tải biển khó khăn, CTCP Hàng hải Đông Đô (UPCoM: DDM) đã có năm 2023 kinh doanh “bết bát”. Bên cạnh đó, BCTC 2023 của công ty cũng phải nhận ý kiến ngoại trừ từ tổ chức kiểm toán.

Lợi nhuận “lao dốc”, vốn chủ sở hữu âm 11 năm liên tiếp

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2023, DDM ghi nhận doanh thu thuần 205,9 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lợi nhuận gộp âm 61,4 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 112,2 tỷ đồng), lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cũng âm 105,9 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 49,1 tỷ đồng).

Trừ đi thuế và các chi phí khác, công ty báo cáo lợi nhuận sau thuế sụt giảm gần 160 tỷ đồng, tức lỗ ròng 102,3 tỷ đồng, trong khi năm trước lãi 57,8 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân, DDM cho rằng, thị trường vận tải biển khó khăn, giá cho thuê tàu và cước vận tải biển giảm mạnh, ở mức thấp kéo dài do sự suy giảm của nhu cầu vận tải hàng hóa. Điều này khiến cho doanh thu năm 2023 giảm mạnh so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, công ty cũng đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm tiết giảm chi phí khai thác và chi phí quản lý kỹ thuật đội tàu. Tuy nhiên, công ty phải phân bổ chi phí lên đà các tàu Đông Hồ, Đông An, Đông Minh và các chi phí khác nên giá vốn tăng mạnh, kéo theo lợi nhuận “lao dốc” trong năm 2023.

Để ứng phó với tình hình trên, DDM sẽ tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm phương thức khai thác đội tàu hiệu quả nhất để tiết giảm chi phí, cũng như tích cực tìm kiếm khách hàng, nguồn hàng tốt và vận dụng phương thức khai thác tàu tối ưu nhằm cải thiện giá cước, tăng hiệu quả khai thác.

Tính đến ngày 30/12/2023, nợ phải trả của DDM ở mức 1.354 tỷ đồng, phần lớn là nợ dài hạn chiếm 94%, tương ứng 1.279 tỷ đồng. Chủ yếu trong đây là các khoản vay ngân hàng dài hạn 430,8 tỷ đồng, các chi phí phải trả dài hạn 539,6 tỷ đồng…

Đáng chú ý, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức âm 828,3 tỷ đồng, trong khi đầu năm cũng ghi nhận âm 725,7 tỷ đồng. Đây là năm thứ 11 liên tiếp công ty có vốn chủ sở hữu ở mức âm kể từ năm 2012 (âm 33,2 tỷ đồng).

Vì lí do trên, vào thời điểm tháng 08/2023, sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã quyết định duy trì diện hạn chế giao dịch đối với cổ phiếu DDM.

Nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ cho BCTC 2023

Cũng trong BCTC kiểm toán 2023 của DDM, công ty TNHH Kiểm toán TTP đã đưa ra ý kiến ngoại trừ cho một số vấn đề về việc xử lý công nợ, cũng như không chắc chắn về khả năng hoạt động liên tục của công ty.

1-1710923364.png
Ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán. (Nguồn: BCTC 2023.)

Ngày 19/03/2024, DDM đã gửi văn bản giải trình đến HNX về những ý kiến ngoại trừ này. Cụ thể, về ý kiến thứ nhất liên quan đến việc xử lý công nợ theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng, công ty cho biết đã nhiều lần gửi công văn đề nghị PVcomBank phối hợp để giải quyết vấn đề. Thế nhưng cho đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết cụ thể, trong đó chủ yếu là việc xác định giá trị tàu Đông Mai để xử lý tài sản bảo đảm.

Do đó, công ty vẫn chưa có các hồ sơ liên quan làm tài liệu thuyết minh về việc xử lý công nợ theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng (như đã nêu trong ý kiến ngoại trừ). Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục phối hợp với phía ngân hàng để giải quyết.

Đối với ý kiến thứ hai về một số khoản doanh thu cước cho thuê tàu đang được ghi nhận theo số tạm tính do chưa được quyết toán, DDM cho biết doanh thu cước cho thuê tàu là khoản phải thu của khách hàng lâu năm: một là tiền nhiên liệu có sẵn trên tàu Đông Phú khi DDM bàn giao tàu cho khách hàng thuê (hơn 11 tỷ đồng); hai là tiền cước cho thuê các tàu Đông Minh, Đông Phú, Đông Thịnh và Đông An của khách hàng đó (hơn 12 tỷ đồng). Theo thỏa thuận, hai bên sẽ đàm phán phương án quyết toán cụ thể trong thời gian tới.

Về ý kiến cuối cùng liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của công ty, DDM cho rằng chủ yếu do thị trường vận tải biển suy thoái, chi phí khấu hao cũng như lãi vay tín dụng đầu tư tàu biển phát sinh lớn hơn trong 10 năm qua đã gây ra khoản lỗ lũy kế cho công ty.

“Trong thời gian tới, cùng với việc tổ chức lại việc kinh doanh làm tăng hiệu quả kinh doanh, tăng lợi nhuận và cải thiện dòng tiền, công ty hy vọng sẽ dần cải thiện tình trạng tài chính này”, lãnh đạo DDM khẳng định.

Được biết, CTCP Hàng hải Đông Đô tiền thân là XNLH Vận tải biển pha sông (VISERITRANS). Ngày 29/04/1995, VISERITRANS chính thức trở thành doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VINALINES). Năm 2006, công ty chính thức hoạt động dưới hình thức CTCP với các ngành nghề kinh doanh chính như vận chuyển và làm đại lý, môi giới vận chuyển hàng hóa bằng đường biển; sửa chữa duy tu và bảo dưỡng tàu biển...
Ngọc Bảo