Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Hành trình phát triển DIC Corp và tham vọng dở dang của ông Nguyễn Thiện Tuấn

Tại ĐHĐCĐ 2024, Chủ tịch DIC Corp Nguyễn Thiện Tuấn bày tỏ sự tiếc nuối khi chỉ làm khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp (KCN), làm mất một khoản thu rất lớn cho công ty.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn sinh năm 1957 tại Thanh Hóa, là một doanh nhân nổi tiếng trong giới bất động sản. Ông là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển xây dựng (DIC Corp).

Bắt đầu sự nghiệp từ năm 21 tuổi, ông Nguyễn Thiện Tuấn là cán bộ làm việc tại Phòng Tổ chức - lao động, Xí nghiệp 101 thuộc Công ty Xây dựng cấp thoát nước số 1 của Bộ Xây dựng. Đến năm 1981, ông làm việc tại Công ty Xây dựng Dầu khí và lần lượt được thăng tiến lên các vị trí Phó trưởng phòng, Trưởng phòng.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn

Sau 10 năm làm việc, ông trở thành giám đốc vào năm 31 tuổi khi công tác tại Xí nghiệp Xây dựng đời sống thuộc Công ty Xây dựng dầu khí. Ngoài ra, ông Tuấn từng đảm nhiệm các công việc như: Bí thư đoàn tại Công ty Xây dựng Dầu khí, Ủy viên Ban chấp hành tỉnh đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu, Ban Thường vụ Đảng Ủy tại Công ty Xây dựng Dầu khí và là Ủy viên Công đoàn ngành Xây dựng Việt Nam.

Năm 1990, khi Bộ Xây Dựng quyết định thành lập nhà nghỉ để kinh doanh dịch vụ du lịch và làm công tác điều dưỡng cho nhân viên ngành xây dựng tại Vũng Tàu, ông Tuấn được điều về làm giám đốc.

Ngã rẽ sự nghiệp của ông cũng bắt đầu từ đây. Ban đầu, nhà nghỉ chỉ có 8 nhân viên gói gọn trong lĩnh vực phục vụ công nhân viên ngành điều dưỡng. Theo thời gian, ông Tuấn bắt đầu chuyển cơ sở của mình quản lý dần sang hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực.

Năm 1993, nhà nghỉ chuyển thành Công ty đầu tư Xây dựng và dịch vụ du lịch (TIIC) với tổng tài sản 8,2 tỷ đồng. 8 năm sau, TIIC được chuyển đổi thành Công ty Đầu tư phát triển – xây dựng (DIC).

Năm 2008, DIC được cổ phần hóa thành Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp), đồng thời tăng vốn điều lệ lên 370 tỷ đồng và trên 30 công ty thành viên. Vào thời điểm đó, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Thiện Tuấn là người đại diện cho 32,5% vốn nhà nước tại DIC Corp.

Tháng 8/2009, công ty chính thức lên sàn giao dịch chứng khoán với mã giao dịch là DIG.

Dưới sự dẫn dắt của ông Tuấn, năm 2017, DIC Corp chính thức chuyển sang tập đoàn kinh tế tư nhân khi thoái 49,65% vốn nhà nước (tương ứng với 118.260.261 cổ phần).

Tại DIC Corp, ông Tuấn và người thân vừa là cổ đông lớn, vừa nắm giữ nhiều vị trí chủ chốt tại công ty.

Hiện tại, ông Tuấn đang nắm giữ gần 47 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 7,68% vốn. Chiếu theo thị giá 23.150 đồng/cổ phiếu kết phiên cuối tuần (ngày 9/8) của cổ phiếu DIG, khối tài sản của ông Tuấn có giá trị khoảng 1.100 tỷ đồng.

Dự án bất động sản đô thị nổ tiếng của DIC Corp 

Được biết, DIC Corp sở hữu lợi thế về quỹ đất sạch tại các vị trí đắc địa, trải dài từ Bắc vào Nam như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Hậu Giang với nhiều dự án có quy mô “khủng”.

Có thể kể đến như Khu đô thị Chí Linh tại TP. Vũng Tàu, Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước Nhơn Trạch - Đồng Nai, Khu đô thị mới Nam TP. Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc, Khu đô thị du lịch Long Tân - Đồng Nai, Khu đô thị mới Bắc Vũng Tàu...

Hàng năm, DIC Corp thu về hàng ngàn tỷ doanh thu và hàng trăm tỷ lợi nhuận. Đỉnh điểm là năm 2021, DIC Corp ghi nhận doanh thu đạt 2.559 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 989,9 tỷ đồng. Đây được xem là năm có doanh thu lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay.

Tình hình kinh doanh của DIC Corp

Đến năm 2023, tình hình kinh doanh của DIC Corp bắt đầu có sự giảm sút do khó khăn chung của thị trường. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đạt 1.026 tỷ doanh thu và 116 tỷ lợi nhuận ròng.

Lên kế hoạch cho năm 2024, DIC Corp lên kế hoạch doanh thu 2.300 tỷ, tăng 72% và lợi nhuận trước thuế dự kiến 1.010 tỷ đồng,tăng đến 509% so với thực hiện trong năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất Công ty đạt khoảng 875 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 40 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 38% kế hoạch về doanh thu và khoảng 4% kế hoạch về lợi nhuận.

Tham vọng mảng KCN còn dở dang

Tại ĐHĐCĐ 2024, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thiện Tuấn cho biết “Sai lầm lớn của tôi là chỉ làm khu đô thị, không quan tâm đến khu công nghiệp (KCN), làm mất một khoản thu rất lớn. Bây giờ cơ hội đã đến với chúng ta, ngàn năm mới có một. Khu công nghiệp bây giờ phải là khu công nghiệp sinh thái. Nếu không làm thì sẽ bị lạc hậu, doanh thu đi lùi. Tất cả đô thị bây giờ cũng được định hướng phát triển như vậy".

Ông Tuấn cũng chia sẻ, DIC Corp đang quan tâm đến 4 khu đất để phát triển khu công nghiệp gồm: KCN Châu Đức II quy mô 1,000ha (có 400ha là đất đô thị) đã thỏa thuận được với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN Phạm Văn Hai 270ha đang xin làm chủ đầu tư, KCN Hàng Gòn ở cuối cao tốc Long Thành - Dầu Giây có 400ha đang đất trồng cây cao su, KCN Long Sơn liên doanh với đối tác và DIG có thể sở hữu 30%.

Về du lịch, Công ty có kế hoạch bán hết phần sở hữu còn lại tại khách sạn Pullman, bù lại sẽ phát triển hai khách sạn ở đường Thùy Vân, TP. Vũng Tàu (trước đây là nhà nghỉ của cán bộ nhân viên) và phấn đấu mua thêm một khu đất để làm 6 block khách sạn (cao tối đa 32 tầng, thấp nhất 25 tầng) thuộc khu Chí Linh.

Trong khi đó, Công ty sẽ xây dựng hai đô thị ở Nam Thanh Hoá và Vũng Tàu, vì 2 tỉnh thành này đều có bờ biển dài, có trung tâm y tế cao cấp và phục vụ cho người nước ngoài là chính.

Ngoài ra, DIC Group cũng đang có kế hoạch mua lại một sân golf, trong đó có 6ha đất dự kiến làm khách sạn 5 sao. Mới đây, DIC Corp thành lập công ty để quản lý sân golf, đơn vị này có thể do người nước ngoài điều hành.

Theo tính toán, Công ty có khoảng 20 địa điểm trên cả nước có thể làm sân golf, trong đó khu đất ở Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình đã đền bù được phần lớn diện tích.