Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ông chủ họ Kiều và hành trình tại trường Đại học HUTECH

Được thành lập với 3 ngành đào tạo ban đầu, trải qua 30 năm, HUTECH hiện có 63 ngành đào tạo với quy mô tổng thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Sự xuất hiện của những ông chủ họ Kiều tại HUTECH

Là một trong những cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập có tuổi đời lâu năm, trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hay còn được gọi là HUTECH, tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Tp.HCM, được thành lập ngày 26/4/1995.

Nói về những ngày đầu thành lập, trong thư ngỏ nhân dịp kỷ niệm thành lập trường vào năm 2020, nguyên Chủ tịch Hội đồng trường HUTECH Kiều Tuân chia sẻ, hồi những năm 90 của thế kỷ trước, Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương nhưng việc thành lập trường đại học ngoài công lập trên thực tế còn muôn vàn khó khăn, hết thời gian quy định của Hội đồng sáng lập mà trường chưa được thành lập.

Ông chủ họ Kiều và hành trình tại trường Đại học HUTECH- Ảnh 1.

Nguyên Chủ tịch Hội đồng trường HUTECH Kiều Tuân.

Trải qua mấy đợt thẩm định của Thủ tướng, của Bộ GD&ĐT năm 1995, quyết định thành lập trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chính thức được ký.

"Tôi trực tiếp nhận quyết định thành lập trường, cũng là nhận sứ mệnh phát triển nhóm đại học ngoài công lập đầu tiên làm đối trọng với đại học công lập, thúc đẩy giáo dục Việt Nam đi lên", ông Tuân chia sẻ.

Sau gần 30 năm phát triển, từ một trường đại học chỉ có 3 ngành đào tạo, HUTECH hiện tại có chương trình đào tạo từ trình độ Đại học, Thạc sĩ đến Tiến sĩ với 63 ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực như: Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Quản trị, Kiến trúc - Mỹ thuật, Sức khỏe - Thể thao, Marketing - Truyền thông, Luật, Khoa học xã hội - nhân văn, Ngoại ngữ và Nghệ thuật…

Nói về hành trình phát triển của hệ thống giáo dục HUTECH, phải kể đến dấu mốc năm 2010 khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép chuyển đổi mô loại hình hoạt động từ dân lập sang tư thục. Đây là năm ông Kiều Tuân đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng trường HUTECH.

Ông chủ họ Kiều và hành trình tại trường Đại học HUTECH- Ảnh 2.

Từ một trường đại học chỉ có 3 ngành đào tạo, HUTECH hiện tại có chương trình đào tạo từ trình độ Đại học, Thạc sĩ đến Tiến sĩ với 63 ngành nghề thuộc nhiều lĩnh vực.

Cũng chính từ đây, sự hiện diện của những ông chủ họ Kiều tại HUTECH cũng như Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục HUTECH càng thể hiện rõ ràng. Theo đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục HUTECH được thành lập vào năm 2011, được biết đến với nhiều thương vụ mua bán, đầu tư tại các trường đại học.

Sau đó 3 năm, trường Đại học Kinh tế - tài chính Tp.HCM (UEF) đã hoàn tất việc mua bán và chuyển giao trường cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển giáo dục HUTECH. Sau đó, công ty này còn được biết tới với thương vụ thương thảo bất thành tại trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.

Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống giáo dục HUTECH gồm 2 trường đại học thành viên là HUTECH và UEF cùng các Trường liên cấp song ngữ Hoàng Gia - Royal Bilingual International School - Royal School.

Ông chủ họ Kiều và hành trình tại trường Đại học HUTECH- Ảnh 3.

Hệ thống giáo dục HUTECH gồm 2 trường đại học thành viên là HUTECH và UEF cùng các Trường liên cấp song ngữ Hoàng Gia - Royal Bilingual International School - Royal School.

Lại nói đến những ông chủ họ Kiều, nhiệm kỳ 2022-2027, HUTECH đã ra mắt hội đồng trường với 13 thành viên. Theo đó, ông Kiều Xuân Hùng sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng trường, thay thế cho ông Kiều Tuân. Đồng thời, ông Kiều Tuân vẫn giữ vị trí Thành viên thường trực trường.

Đáng chú ý, theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Kiều Xuân Hùng đồng thời là người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Giáo dục HUTECH. Ngoài ra, vị này hiện đang là Chủ tịch Hội đồng trường UEF nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo tại bài viết trên website của HUTECH (hutech.edu.vn), ông Kiều Xuân Hùng được giới thiệu có hơn 14 năm liên tục công tác ở nhiều vị trí khác nhau tại HUTECH trước khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng trường. Cụ thể, vị này đã giữ các chức vụ Phó Hiệu trường từ năm 2008; thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2010-2015,...

Ông chủ họ Kiều và hành trình tại trường Đại học HUTECH- Ảnh 4.

Ông Kiều Xuân Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường HUTECH.

Quy mô doanh thu nghìn tỷ

Dưới sự điều hành của các ông chủ họ Kiều, HUTECH hiện sở hữu 69.395m2 diện tích đất cơ sở đào tạo với 110.776 m2 diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Trong đó, bao gồm 4 cơ sở và 1 viện công nghệ cao tọa lạc tại thành phố Hồ Chí Minh.

Một điều gây sự chú ý của HUTECH chính là quy mô doanh thu lên tới nghìn tỷ mỗi năm. Cụ thể, theo bản công khai tài chính năm học 2023-2024, HUTECH ghi nhận tổng thu 1.260 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ học phí; tăng 10% so với năm học trước đó. Trước đó vào năm học 2021-2022, tổng thu của HUTECH đạt 1.044 tỷ đồng.

Ông chủ họ Kiều và hành trình tại trường Đại học HUTECH- Ảnh 5.

Năm học 2023-2024, HUTECH ghi nhận tổng thu 1.260 tỷ đồng, trong đó phần lớn đến từ học phí; tăng 10% so với năm học trước đó.

Có thể thấy, dưới sự dẫn dắt của các ông chủ họ Kiều, trường Đại học HUTECH ghi nhận nhiều bước tăng trưởng trong tổng thu. Tuy các khoản chi không được công bố cụ thể, song năm 2022, HUTECH nằm trong nhóm các doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất, ở vị trí 517.

Năm 2022, Việt Nam có 9 trường đại học có doanh thu từ 1.000 tỷ đồng nhưng chỉ có hai trường nằm trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất năm 2022 là Trường đại học FPT và Trường đại học Công nghệ Tp.HCM.

Năm học 2024-2025, HUTECH công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy với việc xét tuyển 13.500 chỉ tiêu trình độ Đại học chính quy cho 63 ngành đào tạo theo 4 phương thức xét tuyển độc lập.

Các phương thức xét tuyển của trường đại học này dựa theo các tiêu chí bao gồm kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024; kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực 2024 của Đại học Quốc gia Tp.HCM; học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12; học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.