Người dân lo lắng về những bất cập khi chuyển đổi sang xe điện
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, nhiều người dân Hà Nội nói chung và khu vực phố cổ nói riêng bày tỏ sự ủng hộ chủ trương chuyển đổi phương tiện giao thông cá nhân sang sử dụng năng lượng sạch nhằm cải thiện chất lượng môi trường.
Tuy nhiên, thực tế tại những khu phố chật hẹp, dân cư đông đúc cho thấy việc “chia tay” xe xăng để chuyển sang xe điện không hề đơn giản, khi vẫn còn nhiều bất cập về hạ tầng và điều kiện sống đang khiến người dân e ngại.
Sống trong ngõ nhỏ trên phố Hàng Đường, bà Trần Thị Hương chia sẻ, gia đình bà không có sân, diện tích trong nhà chật hẹp nên không có chỗ để xe. Hai chiếc xe máy của gia đình bà phải gửi ở bãi ngoài với chi phí vài trăm nghìn đồng mỗi tháng.
Bà Hương cho biết, các bãi xe được phường Hoàn Kiếm bố trí đầu ngõ Gạch và phố Nguyễn Siêu hiện nay đều không có điểm sạc xe điện. Trong khi các nhà trong ngõ vừa chật hẹp không thể đưa xe vào sạc được.
"Nếu thành phố muốn người dân thực sự chuyển đổi thì cần quy hoạch các điểm gửi xe có sẵn trạm sạc điện, đặt tại các khu chợ, đầu ngõ hoặc khu dân cư đông người - nơi mà nhu cầu sử dụng xe rất cao" - bà Hương nói.

Không chỉ lo lắng về chỗ để xe, nhiều người dân phố cổ còn đặt câu hỏi về sự an toàn của hệ thống điện nếu hàng loạt phương tiện cùng sạc trong giờ cao điểm.
Ông Ngô Gia Lượng (65 tuổi, phố Hàng Gà) cho biết: “Ở đây dây điện chằng chịt, hạ tầng đã cũ. Nếu ai cũng về nhà rồi sạc xe lúc 6 - 8 giờ tối, liệu điện có tải nổi không”.
Ông Lượng đề xuất thành phố cần ban hành các tiêu chuẩn an toàn rõ ràng đối với thiết bị sạc điện tại nhà, đồng thời nâng cấp hệ thống điện lưới tại các khu phố trước khi áp dụng đại trà lộ trình chuyển đổi xe xăng sang xe điện.

Ủng hộ chủ trương lớn, song ông Lượng cho rằng điều người dân cần là một lộ trình hợp lý, đi kèm với giải pháp cụ thể và chính sách hỗ trợ rõ ràng, bởi việc chuyển đổi phương tiện còn liên quan đến sinh kế, thói quen sinh hoạt và đặc điểm nhà ở đô thị.
Hiện trạng của hệ thống cấp điện tại các khu dân cư và hạ tầng trạm sạc
Báo Tuổi trẻ cho biết, theo Sở Xây dựng Hà Nội, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chuyển đổi xanh tại thủ đô đang gặp phải là về hạ tầng trạm sạc và quy chuẩn kỹ thuật.
Cụ thể hiện Hà Nội chưa có quy chuẩn chung về trạm sạc, dẫn đến hạn chế trong việc sử dụng trạm sạc dùng chung giữa các nhà sản xuất và các nhà cung ứng xe điện.
"Cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe buýt điện còn nhiều hạn chế, mới có 113 trụ sạc/16 tuyến được lắp đặt tại các depot của 5/11 đơn vị buýt, các xe buýt không thể sạc chung tại các trụ sạc được Vinbus lắp đặt cho các loại xe khác.
Chưa có quy hoạch chung về mạng lưới điện, hạ tầng trạm sạc và việc thực hiện các dự án xây dựng trạm sạc điện, cần khảo sát tính toán chi tiết công suất nguồn và hạ tầng phù hợp" - báo cáo nêu.
Thực tế trên sẽ ảnh hưởng khả năng triển khai trên diện rộng đối với cả xe công cộng lẫn xe cá nhân sử dụng điện, theo Sở Xây dựng Hà Nội.
Ngoài ra hiện hệ thống phát triển trạm sạc không theo kịp sự phát triển xe cộ; một số khu vực nội đô khó khăn trong bố trí quỹ đất để xây dựng trạm sạc công cộng hoặc bãi đỗ có tích hợp hạ tầng sạc.
Ngày 15/7 Sở Xây dựng đã tổ chức cuộc họp nhằm thống nhất đề xuất một số cơ chế, chính sách phục vụ việc xây dựng dự thảo nghị quyết của HĐND TP về chính sách chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch.
Qua cuộc họp, một số nhóm khó khăn nổi bật tiếp tục được xác định. Cụ thể về đất đai và quy hoạch, hiện chưa có quy định rõ ràng về phân loại đất cho công trình trạm sạc.
Đồng thời việc lắp đặt trên đất không phải đất giao thông hoặc đất thương mại - dịch vụ buộc phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây mất thời gian và phức tạp thủ tục.
"Các khu vực công cộng như vỉa hè hiện không có quy định rõ ràng cho phép hay cấm lắp đặt trạm sạc, dẫn đến lúng túng trong triển khai tại địa phương" - Sở Xây dựng Hà Nội thông tin.
Về cấp phép xây dựng, sở cho rằng mặc dù công trình trạm sạc được xếp vào loại công trình năng lượng. Tuy nhiên việc cấp phép lại gặp vướng mắc do chưa xác định rõ loại đất phù hợp để xây dựng, dẫn đến việc không đánh giá được sự phù hợp quy hoạch theo quy định của Luật Xây dựng.
Về hạ tầng kỹ thuật điện, hệ thống cấp điện tại các khu dân cư hiện hữu, đặc biệt là chung cư cũ, không đáp ứng được yêu cầu về công suất nếu bổ sung thêm trạm sạc, theo Sở Xây dựng Hà Nội.
Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất gì?
Trước thực tế trên, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo "Nghị quyết về chính sách, biện pháp, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng sạch trên địa bàn TP Hà Nội" trên cơ sở tờ trình của Sở Xây dựng để đảm bảo tiến độ việc xây, lắp đặt trạm sạc.
Đồng thời sở cũng kiến nghị UBND TP chấp thuận chủ trương xây dựng "đề án chuyển đổi phương tiện giao thông cơ giới sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường tại TP Hà Nội" để làm cơ sở triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Ngoài ra Sở Xây dựng Hà Nội cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương có ý kiến chính thức, cụ thể đối với các đề xuất về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn trong phát triển hạ tầng trạm sạc, gửi Sở Xây dựng để tổng hợp, hoàn thiện nội dung dự thảo nghị quyết trình HĐND TP.