Cần tách rõ các hành vi đóng BHYT
Tại buổi Hội thảo, Luật sư Nguyễn Thị Hòa, Đoàn Luật sư Tp.HCM cho biết, Dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế lần này rất quan trọng.
Luật BHYT được thông qua từ năm 2008 có hiệu lực từ 1/1/2009, sau 15 năm triển khai trên thực tiễn đã khẳng định rõ tính đúng đắn, cần thiết và phù hợp của chính sách bảo hiểm y tế đã và đang được áp dụng trên thực tế cuộc sống.
Hiện có tới hơn 93% dân số tham gia bảo hiểm y tế, tuy nhiên cần sửa đổi một số điều luật để đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh…
Góp ý kiến tại dự thảo, theo luật sư Hòa, nên sửa đổi bổ sung tại khoản 9, khoản 10, Điều 12 của Luật BHYT, cần phân biệt rõ hành vi chưa đóng, chậm đóng BHYT, cần tách hai nhóm hành vi này ra.
Việc "chưa đóng", "chậm đóng" BHYT khác việc "không đăng ký, đăng ký không đầy đủ" bảo hiểm y tế là hoàn toàn khác nhau. Chưa đóng, chậm đóng có thể là do lý do khách quan, có thể do hoàn cảnh khó khăn, còn không đăng ký, đăng ký không đầy đủ BHYT là có dấu hiệu trốn tránh đóng BHYT cho người lao động, đây là hành vi gian dối…
Góp ý tại dự thảo, bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Tp.HCM, đề nghị bổ sung trách nhiệm cho cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thu tiền đóng của học sinh, sinh viên cùng với việc quản lý và lập danh sách tham gia bảo hiểm y tế theo nhà trường.
Bà Hằng cho rằng, học sinh là đối tượng do nhà trường quản lý. Bà Hằng đề xuất tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên từ 30% lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm số tiền học sinh, sinh viên phải đóng vào Quỹ Bảo hiểm y tế, mà vẫn đạt mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.
Cần quan tâm hơn đến người già, người nghèo và trẻ em
Bà Hằng cho biết: "Chúng tôi cũng xem xét bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ bảo hiểm y tế tại Nghị định 75 năm 2023 của Chính phủ như người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ".
Bà Hằng đề xuất thêm: "Theo quy định, người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên được cấp BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ. Hiện, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên đã được hưởng trợ cấp hằng tháng, cấp thẻ BHYT.
Tuy nhiên, đối với nhóm từ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, mà không hưởng trợ cấp hàng tháng, là đối tượng thuộc nhóm yếu thế của xã hội cần được quan tâm. Do vậy, cần được hỗ trợ cấp thẻ BHYT nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính, rủi ro bệnh tật.
Hiện nay, chúng tôi thống kê, có khoảng 17 triệu người cao tuổi. Trong đó, hơn 14 triệu người đã tham gia BHYT, còn khoảng 2,4 triệu người cao tuổi dưới 80 tuổi thuộc nhóm yếu thế chưa được tham gia BHYT.
Tp.HCM chưa có chính sách cấp thẻ BHYT cho những người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên đến 80 tuổi. Một số địa phương đã hỗ trợ cấp thẻ cho nhóm này từ nguồn ngân sách địa phương".
Cũng theo bà Hằng, hiện nay, hằng năm Tp.HCM có khoảng 300.000 người thoát nghèo. Trong đó, có khoảng 150.000 người rơi xuống hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Tuy vậy, số người còn lại có thể hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện hộ cận nghèo, cần lộ trình để hỗ trợ. Bà Hằng đề xuất ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng tối thiểu 70% BHYT cho các hộ vừa ra khỏi cận nghèo.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin thêm, hiện nay Bảo hiểm xã hội Tp.HCM vẫn đang thanh toán đầy đủ cho trẻ em dưới 6 tuổi chưa có giấy khai sinh.
Các cháu vẫn được các cơ sở khám chữa bệnh cho hưởng BHYT đầy đủ, miễn có giấy tờ, chứng từ thanh toán đầy đủ căn cứ xác định.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế Tp.HCM, đề nghị BHYT chi trả cho các trường hợp cấp cứu ngoài bệnh viện.
Theo ông Dũng, hiện nay, hệ thống Cấp cứu 115 đã phủ sóng khắp cả nước. Việc thanh toán BHYT là nhu cầu cần thiết, nhất là đối với các trường hợp ngưng tim, ngưng thở, đột quỵ, tai nạn cần được thanh toán BHYT để hệ thống cấp cứu phát triển bền vững…