Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Iran muốn Mỹ và châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt để giảm căng thẳng

Theo tân Ngoại trưởng Iran, Bộ Ngoại giao Iran dưới sự lãnh đạo của ông sẽ tìm cách giảm căng thẳng với Washington và khôi phục quan hệ với châu Âu.

Iran đang tìm cách giảm căng thẳng trong quan hệ với Mỹ và các nước châu Âu, và hy vọng các bên sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và khôi phục thỏa thuận hạt nhân, Bộ trưởng Ngoại giao mới của Iran Abbas Araghchi cho biết.

"Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Iran, tôi đã nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt, đặc biệt là các lệnh trừng phạt đơn phương, thông qua các cuộc đàm phán nghiêm túc, tập trung và có thời hạn, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của đất nước", tân Ngoại trưởng Iran cho biết trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản hôm 22/8.

Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Ngoại giao Iran phát biểu với một hãng tin nước ngoài kể từ khi ông chính thức được bổ nhiệm vào vị trí này sau khi việc đề cử ông được Quốc hội Iran phê chuẩn vào ngày 21/8.

Iran muốn Mỹ và châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt để giảm căng thẳng- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi từng tham gia phái đoàn đàm phán hạt nhân và là người ủng hộ JCPOA, một thỏa thuận mà ông mong muốn khôi phục trong thời gian ông tại nhiệm. Ảnh: Azer News

Theo nhà ngoại giao hàng đầu quốc gia Trung Đông, Bộ Ngoại giao Iran dưới sự lãnh đạo của ông sẽ tìm cách giảm căng thẳng với Washington và hàn gắn quan hệ với các nước châu Âu, nhưng chỉ khi họ từ bỏ “cách tiếp cận thù địch” trong quan hệ với Tehran, đồng thời tìm cách gia hạn thỏa thuận hạt nhân đa phương và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Ông Araghchi là Đại sứ Iran tại Nhật Bản từ năm 2008 đến năm 2011. Trong cuộc phỏng vấn, ông cũng tuyên bố rằng ông mong muốn xây dựng mối quan hệ giữa Tehran với Tokyo.

Ông Araghchi cũng từng tham gia phái đoàn đàm phán hạt nhân và là người ủng hộ JCPOA, một thỏa thuận mà ông mong muốn khôi phục trong thời gian ông tại nhiệm.

Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), được ký kết vào tháng 7/2015 giữa Iran và 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (P5), bao gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Vương quốc Anh và Mỹ, cùng với Đức và Liên minh châu Âu (EU).

Đây là một hiệp định mang tính bước ngoặt, đặt ra các quy tắc để giám sát chương trình hạt nhân của Iran và mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, Mỹ dưới thời chính quyền Trump đã rút lui khỏi thỏa thuận vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt lên Tehran.

Vào tháng 7/2019, Iran được cho là đã vi phạm giới hạn dự trữ uranium của mình và tuyên bố ý định tiếp tục làm giàu uranium, gây ra nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân nghiêm trọng hơn.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cho rằng JCPOA là lựa chọn tốt nhất hiện có để đảm bảo chương trình hạt nhân của Iran vẫn hoàn toàn vì mục đích hòa bình.

Ông Guterres cũng nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải dỡ bỏ hoặc miễn trừ các lệnh trừng phạt và gia hạn miễn trừ liên quan đến hoạt động buôn bán dầu mỏ với Iran để thỏa thuận có thể được nối lại.

 

Minh Đức (Theo TASS, UN News)