Ngày 18/4, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra mở rộng vụ đường dây sản xuất thuốc giả quy mô toàn quốc.
Đường dây này do Nguyễn Tiến Đạt (SN 1991, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu. Nhóm của Đạt đã câu kết với nhóm của Trịnh Doãn Giáo (SN 1985, trú tại TP.HCM) sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, đặc biệt là thuốc trị xương khớp.
Các đối tượng đã đầu tư dây chuyền, máy móc sản xuất, đồng thời nghiên cứu các thành phần của thuốc tân dược. Sau đó, chúng đặt mua nguyên liệu là dược phẩm, dược liệu, thảo mộc không rõ nguồn gốc, xuất xứ rồi thuê nhân công làm thành thuốc giả, bán ra thị trường thông qua nhiều kênh phân phối khác nhau.
Nguyễn Tiến Đạt và Trịnh Doãn Giáo là những kẻ cầm đầu liên quan tới đường dây sản xuất thuốc giả. Ảnh: Người lao động
Từ năm 2021 đến khi bị bắt, tổng số tiền các đối tượng giao dịch trong buôn bán thuốc là 200 tỷ đồng.
Theo báo Người lao động, tại cơ quan công an, Nguyễn Tiến Đạt đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình và tỏ ra ăn năn hối lỗi. "Em rất ân hận về hành vi vi phạm pháp luật của mình khi mua bán thuốc giả"- Đạt khai.
Liên quan đến vụ việc, theo báo Dân Trí, ngày 18/4, đại diện Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Thanh Hóa thông tin, đơn vị đã có kết quả phân tích, xét nghiệm ban đầu về các mẫu thuốc được thu giữ trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc giả.
Theo vị đại diện, kết quả phân tích, xét nghiệm cho thấy nhóm thuốc đông y giả (chữa các bệnh về xương khớp) chứa hàm lượng lớn thuốc giảm đau, không được phép sản xuất trong đông y.
Nhóm thuốc tây y giả chưa phát hiện dược tính độc hại nhưng không có dược tính kháng sinh để chữa bệnh như hướng dẫn sử dụng in trên bao bì.
Hiện trường một cơ sở sản xuất thuốc giả. Ảnh: Vietnamnet.
Cũng theo thông tin từ Phòng Cảnh sát kinh tế, các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả không có trình độ chuyên môn về sản xuất thuốc. Các đối tượng chủ yếu mua nguyên liệu là các loại tinh bột, chất kết dính, phụ gia trong y dược, than tre, chất tạo màu… để tự pha trộn, đóng gói thành thuốc chữa bệnh.