Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Kế hoạch áp thuế từ Tổng thống Trump: Lo ngại lạm phát đảo chiều

Chuyên gia cho rằng, lạm phát đã chậm lại trong thời gian gần đây nhưng có thể bắt đầu tăng trở lại vào giữa năm 2025 khi đồng USD dự kiến sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2025 do tác động các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa của Tổng Thống Trump được làm rõ và triển khai.

Lạm phát có thể tăng trở lại vào giữa năm 2025

Theo các chuyên gia, lạm phát năm 2024 của Việt Nam được kiểm soát là nhờ ảnh hưởng thuận lợi từ thế giới như lạm phát toàn cầu hạ nhiệt giúp giảm áp lực nhập khẩu lạm phát. Các chính sách tiền tệ và tài khóa được Chính phủ triển khai đồng bộ nhằm kiểm soát thâm hụt ngân sách và ổn định tỷ giá và Chính phủ đã điều chỉnh giá các mặt hàng quan trọng như xăng dầu, dịch vụ y tế một cách hợp lý.

Tuy nhiên, sang đến năm 2025, theo nhận định của nhiều chuyên gia, câu chuyện kiểm soát lạm phát sẽ không mấy dễ dàng và còn nhiều áp lực.

1-1738458331.jpg
Lạm phát có thể tăng trở lại vào giữa năm 2025.

Với mục tiêu đưa Mỹ hùng mạnh trở lại, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ ban hành chính sách thuế mới trong nhiệm kỳ của mình, đây chính là yếu tố được các chuyên gia đặc biệt nhấn mạnh sẽ gây ra áp lực lạm phát của Việt Nam trong năm 2025.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, các chính sách thuế từ Tổng thống Trump có khả năng sẽ rất khắc nghiệt, dẫn đến phản ứng từ các quốc gia khác. Bảo hộ thương mại và rào cản thương mại gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này có thể gây ra một đợt lạm phát mới, đồng thời làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tỷ lệ thất nghiệp có nguy cơ tăng cao trở lại.

“Ở trong nước, chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất có thể tăng lên theo giá thế giới và chịu tác động từ biến động tỷ giá, ảnh hưởng đến chi phí, giá thành sản phẩm, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp. Từ đó, đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên và tạo áp lực lên lạm phát”, bà Hương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Đại học RMIT Việt Nam phân tích thêm, do chính sách thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ tăng có thể khiến lạm phát tại Mỹ tăng theo, cộng với chính sách cứng rắn về nhập cư làm giảm nguồn cung lao dẫn tới chi phí cho lao động tăng và kéo theo tổng chi phí sản xuất tăng, dẫn tới giá tăng.

Việc lạm phát tăng cao tại Mỹ có thể lan tỏa tới Việt Nam qua đường thương mại, bởi chi phí hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ tăng sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên liệu hoặc thiết bị từ Mỹ. Đồng thời, chi phí hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là các sản phẩm công nghệ và năng lượng, cũng sẽ bị đẩy lên, làm tăng giá nhập khẩu vào Việt Nam.

Lạm phát tại Mỹ tăng cũng có thể dẫn đến việc Cục dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ làm tăng lãi suất toàn cầu, gây áp lực lên chính sách tiền tệ Việt Nam, đặt ra thách thức trong việc duy trì lãi suất cạnh tranh để giữ dòng vốn FDI. Hệ quả là Việt Nam sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn giữa ổn định lãi suất hoặc tăng tỷ giá để tránh dòng vốn ngoại bị rút ra.

“Chính sách thuế và tình trạng lạm phát cao tại Mỹ sẽ có tác động tiêu cực kép tới Việt Nam, một mặt làm gia tăng chi phí nhập khẩu, mặt khác tạo ra áp lực lạm phát nội địa”, bà Vân nhấn mạnh.

Còn theo bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, lạm phát đã chậm lại trong thời gian gần đây nhưng có thể bắt đầu tăng trở lại vào giữa năm 2025 khi đồng USD dự kiến sẽ mạnh lên vào nửa cuối năm 2025 do tác động các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa của Tổng Thống Trump được làm rõ và triển khai.

Lạm phát đảo chiều có thể làm phức tạp quá trình phục hồi trong nước và tạo ra thách thức cho ngân hàng trung ương, trong đó tác động chính đến từ chênh lệch lãi suất.

“Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn”, bà Hạnh cho hay.

Giảm phụ thuộc vào Mỹ

Nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Tổng thống Trump, bà Vân đề nghị nên đa dạng hóa thị trường và chuỗi cung ứng, giảm phụ thuộc vào Mỹ bằng cách mở rộng xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, ASEAN và tăng cường nội địa hóa sản xuất để nâng cao tự chủ kinh tế.

Cùng với đó, cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và ổn định kinh tế bằng cách theo dõi tỷ giá, kiểm soát lạm phát, điều chỉnh lãi suất phù hợp để ổn định dòng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp.

2-1738458331.jpg
Cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và ổn định kinh tế bằng cách theo dõi tỷ giá, kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh việc ứng phó với những tác động tiêu cực từ chính sách thuế của Mỹ,  để thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát được Quốc hội đề ra trong năm nay, PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế đã đề xuất một số giải pháp thiết thực.

Trước hết, cần thực hiện chính sách tiền tệ một cách chủ động và linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, đặc biệt là nâng cao chất lượng tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ưu tiên. Điều này không chỉ giúp đẩy mạnh tăng trưởng mà còn giảm thiểu áp lực lạm phát.

Tiếp đó, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt thông qua việc điều chỉnh lãi suất và cung tiền. Việc này có thể hạn chế chi tiêu và đầu tư, từ đó kiểm soát giá cả nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng để không ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, ngân hàng Nhà nước cần điều chỉnh tỷ giá ngoại tệ hợp lý để tránh biến động lớn gây ra từ yếu tố nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chính sách tài khóa phải được thực hiện một cách thận trọng, hạn chế bội chi ngân sách, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách thông qua đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên.

Quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát CPI. Nhà nước cần kiểm soát giá các mặt hàng chiến lược như xăng dầu, điện, thực phẩm nhằm tránh tăng giá đột biến. Dự trữ quốc gia cần được sử dụng linh hoạt để can thiệp khi cần thiết, bảo đảm không ảnh hưởng đến động lực đầu tư của doanh nghiệp.

Ngoài ra, việc truyền thông và minh bạch thông tin về tình hình lạm phát và các biện pháp quản lý là hết sức cần thiết. Cung cấp thông tin kịp thời sẽ giúp ổn định tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư, giúp giảm thiểu tình trạng đầu cơ và tích trữ hàng hóa.

Theo VietnamFinance