Đây là vấn đề được nhiều người dân quan tâm, bởi thực tế nhiều người không có điều kiện khám bệnh theo đúng tuyến, hoặc khám chữa bệnh vượt tuyến, nhưng sau đó người bệnh vẫn muốn được BHYT hỗ trợ chi phí tiền mua thuốc nên đã mang đơn thuốc về cơ sở ban đầu để mua.
Về vấn đề này, báo đưa tin, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, người tham gia BHYT sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT khi họ đi khám chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu trên thẻ BHYT, xuất trình đầy đủ thủ tục (thẻ BHYT cùng giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh) và thực hiện chuyển tuyến theo đúng quy định (nếu có).
Khi thực hiện đúng các quy định trên, người bệnh sẽ được bác sĩ có chuyên môn chỉ định thực hiện khám, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cần thiết để chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị. Các thuốc trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT sẽ được bệnh viện cấp cho người bệnh sau khi hoàn thành quy trình khám bệnh.
BHXH Việt Nam cho biết: "Như vậy, bạn không thể tự đi khám sau đó mang đơn thuốc được kê đến nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu để được cấp thuốc theo chế độ BHYT".
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ là khi người bệnh được cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên chẩn đoán, kê đơn thuốc điều trị. Sau đó, người bệnh được chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại trạm y tế xã thì được quỹ BHYT chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT.
Ví dụ như thuốc điều trị HIV, lao, một số thuốc điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường… theo Thông tư 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 của Bộ Y tế về ban hành Danh mục và tỉ lệ, điều kiện thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT thì được quỹ BHYT chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT, theo báo Lao động.