Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Khánh Hòa: Xuất khẩu cá ngừ gặp khó khăn khiến giá thu mua giảm

2 tháng đầu năm, số lượng hàng xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp tại Khánh Hòa đi các thị trường đều khó khăn, giảm đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cá ngừ đại dương giảm sút

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, 2 tháng đầu năm nay, số lượng hàng xuất khẩu cá ngừ đại dương của các doanh nghiệp tại Khánh Hòa đi các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật đều khó khăn, giảm đến 30% so với cùng kỳ năm 2022.

Tình trạng này khiến giá thu mua cá ngừ nguyên liệu giảm, tác động trực tiếp đến đời sống của ngư dân.

Ông Võ Khắc Én, Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết, hiện tỉnh có 64 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản. Trong đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương lớn như Công ty trách nhiệm hữu hạn Hải Vương, Công ty Tín Thịnh, Công ty Thịnh Hưng,…, chuyên xuất khẩu đi các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…

Riêng thị trường châu Âu, có 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ đại dương; năm 2022, các doanh nghiệp đã xuất khẩu sang thị trường này 1.600 tấn. Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, các doanh nghiệp chỉ mới xuất khẩu được 209 tấn cá ngừ đại dương sang thị trường này. Nhìn chung, từ cuối năm 2022 đến nay, xuất khẩu cá ngừ đại dương đi các thị trường khá ảm đạm, đơn hàng xuất khẩu ít hơn cùng kỳ các năm trước.

Tại Công ty TNHH T&H Nha Trang, từ cuối năm 2022 đến nay, xuất khẩu cá ngừ đại dương đi các thị trường chỉ đạt 30-40% so với thời điểm này các năm trước. Hiện nay, các thị trường nhập khẩu cá ngừ Việt Nam như: châu Âu, Mỹ, Nhật… đều bị chậm, có đến 70-80% khách hàng tạm dừng nhập hàng.

“Nguyên nhân chủ yếu là do lượng hàng tồn kho ở thị trường tiêu thụ khá lớn, trong khi đó sức mua của người tiêu dùng tại các thị trường đều giảm do lạm phát. Doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ nhận rất ít đơn đặt hàng đã kéo theo giá cá ngừ nguyên liệu cũng giảm theo. Hiện nay, doanh nghiệp vẫn duy trì giá thu mua nguyên liệu cao hơn giá thị trường để động viên ngư dân bám biển, ổn định nguồn nguyên liệu”, ông Huỳnh Đắc Trí, Giám đốc Công ty TNHH T&H Nha Trang chia sẻ.

Đại diện một số doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ tại Khu Công nghiệp Suối Dầu cũng xác nhận, từ cuối năm 2022 đến nay, việc xuất khẩu cá ngừ đại dương sang thị trường châu Âu giảm đến 30% so với cùng thời điểm này năm trước. Các doanh nghiệp lo lắng tình trạng này có thể khiến ngư dân cho tàu nằm bờ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu khi thị trường phục hồi, dự kiến khoảng tháng 6, tháng 7 tới.

Mất mùa, mất cả giá

Việc thị trường xuất khẩu cá ngừ đại dương gặp khó đã kéo theo giá cá nguyên liệu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, đời sống của ngư dân trong tỉnh.

Ông Võ Ngọc Tùng, Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Phước Đồng, Tp.Nha Trang cho biết: "Trong chuyến biển tháng trước, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng Hòn Rớ với sản lượng thấp, chưa đến 1 tấn cá/tàu. Hiện thời điểm này đang là chính vụ khai thác cá ngừ đại dương nhưng sản lượng thấp.

Ngoài ra, giá bán cá giảm ở mức từ 120.000-125.000 đồng/kg; giảm 20.000-25.000 đồng/kg so với các chuyến biển năm 2022. Như vậy, bình quân mỗi chuyến biển kéo dài từ 15-20 ngày, ngư dân phải chi phí 120 triệu đồng, với sản lượng, giá bán nói trên, hầu hết các tàu chỉ vừa đủ vốn hoặc thua lỗ sau khi trừ chi phí".

Kinh tế - Khánh Hòa: Xuất khẩu cá ngừ gặp khó khăn khiến giá thu mua giảm

Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong đó cá ngừ đại dương cũng không ngoại lệ. Ảnh: KS/Nông Nghiệp Việt Nam.

Theo ông Võ Ngọc Tùng, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong đó cá ngừ đại dương cũng không ngoại lệ. Bây giờ ngư dân đánh bắt đạt sản lượng từ 25-30 con, tương đương 1 tấn cá, không hề dễ dàng. Chính vì vậy, khi giá cá thu mua hạ thấp, chi phí chuyến biển tăng cao sẽ khiến nhiều tàu rơi vào cảnh thua lỗ.

Như gia đình ông Tùng trước đây có nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương, tuy nhiên do thường xuyên đánh bắt thua lỗ nên đã bán một số chiếc. Hiện chỉ còn một tàu đã chuyển sang nghề lưới cản (lưới rê) chuyên đánh bắt các loại cá di chuyển tầng nổi như cá ngừ dọc dưa, cá chù, cá cờ, cá thu.

“Với giá cá ngừ đại dương thu mua thấp như hiện nay, ngư dân sẽ chật vật, khó kiếm lại tổn phí. Thế nhưng hiện trong vụ chính đánh bắt cá ngừ nên các tàu trong nghiệp đoàn đều tranh thủ bám biển. Hơn nữa, ngư dân không bám biển thì lấy gì kiếm ăn, ổn định cuộc sống", ông Tùng bảy tỏ.

Ngư dân Trần Văn Đông, ở Hòn Rớ, xã Phước Đồng (Tp.Nha Trang) cũng thừa nhận, bây giờ việc đánh bắt cá ngư đại dương đạt sản lượng cao như trước đây rất khó vì nguồn lợi cạn kiệt. Như 2 tàu của ông đi chuyến biển xuyên Tết vừa qua, một tàu được 1,2 tấn, còn kia chỉ được 8 tạ cá.

Với giá cá ngừ rớt thấp, chỉ từ 120.000-125.000 đồng/kg, trong khi chuyến biển xuyên Tết có tàu tổn phí lên đến 160 triệu. Bởi ngoài giá nguyên vật liệu tăng cao, thì mỗi thuyền viên khi bước xuống tàu (tàu 5-6 ngư dân) phải trả từ 8-9 triệu đồng/người. Do đó, chuyến biển vừa qua, ông Đông nhẩm tính các tàu không có lãi mà lỗ vài chục triệu tiền bạn tàu ứng trước.

Trong khi đó, ông Đông cho biết, qua nắm bắt 2 tàu ông đang đánh bắt trên biển và một số tàu khác thì chuyến biển chuẩn bị sắp tới cập cảng sản lượng cá ngừ đại dương còn giảm hơn chuyến biển vừa qua.

Chia sẻ về khó khăn của ngư dân, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Hòn Rớ - cảng cá lớn nhất Nam Trung Bộ, cho biết chuyến biển xuyên Tết vừa qua các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đạt sản lượng trung bình trên 1 tấn cá/tàu. Cụ thể từ đầu năm đến nay, nhiều tàu đánh cá ngừ sản lượng thấp và giá cũng giảm sâu, đa số thuyền về chỉ được từ 4-5 con, rất ít thuyền đạt từ 9-10 con cá ngừ. Trước tình trạng sản lượng đánh bắt thấp nhiều tàu cá không ra khơi mà chỉ nằm bờ.

Do giá cá ngừ thu mua ở mức thấp, trong khi chi phí chuyến biển tăng cao nên hầu như các tàu đánh bắt huề vốn hoặc thua lỗ. Đối với chuyến biển trong tháng 2, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương dự kiến 1 tuần nữa sẽ cập cảng. Tuy nhiên, chuyến biển này cũng chỉ khoảng 70% số tàu vươn khơi, bởi ngoài tổn phí tăng cao, sản lượng đánh bắt thấp thì việc thiếu lao động đi biển cũng là nguyên nhân. Qua trao đổi, nhiều chủ tàu mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân để họ tiếp tục vươn khơi, bám biển.

Minh Hoa