
Theo Thư viện pháp luật, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định) để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo 2025 có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.
Cụ thể, tại Điều 3 dự thảo Nghị định về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo có đề xuất quy định như sau:
Trả lương
1. Nguyên tắc trả lương:
a) Nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nào thì được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù áp dụng đối với chức danh đó;
b) Việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ sở giáo dục.
2. Chuyển xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn:
a) Việc chuyển xếp lương đối với nhà giáo thực hiện theo quy định hiện hành về chuyển xếp lương đối với viên chức;
b) Trường hợp hệ số lương cũ nhân với hệ số lương đặc thù cũ (nếu có) cao hơn hệ số lương mới nhân với hệ số lương đặc thù mới thì nhà giáo được hưởng mức chênh lệch bảo lưu. Mức chênh lệch bảo lưu được xác định như sau:
...
Như vậy, theo dự thảo Nghị định về chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp, chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo thì giáo viên được sử dụng mức chênh lệch bảo lưu đối với chế độ tiền lương khi trường hợp hệ số lương cũ nhân với hệ số lương đặc thù cũ (nếu có) cao hơn hệ số lương mới nhân với hệ số lương đặc thù mới thì nhà giáo được hưởng mức chênh lệch bảo lưu.
Căn cứ theo Điều 8 Luật Nhà giáo 2025 quy định về quyền của giáo viên cụ thể như sau:
(1) Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện các quyền theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(2) Ngoài quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Nhà giáo 2025, nhà giáo còn có các quyền sau đây:
- Được giảng dạy, giáo dục phù hợp chuyên môn đào tạo; chủ động phân phối thời lượng, sắp xếp nội dung theo chương trình giáo dục; lựa chọn, sử dụng tài liệu, học liệu phục vụ hoạt động giảng dạy, giáo dục; nhận xét, đánh giá, tham gia khen thưởng, xử lý kỷ luật người học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;
- Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học, hưởng chính sách ưu đãi trong hoạt động nghiên cứu khoa học; tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục đại học thành lập, hoạt động trong lĩnh vực phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật;
- Được tôn trọng, bảo vệ uy tín, danh dự, nhân phẩm; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và phát triển nghề nghiệp;
- Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định của pháp luật;
- Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
- Được tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục.
Thông tin trên báo Tuổi trẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo. Nghị định này nhằm hướng dẫn các nội dung tại Luật Nhà giáo sẽ có hiệu lực từ 1-1-2026.
Đáng chú ý, dự thảo này đã quy định cụ thể về chính sách tiền lương với nhà giáo, các loại phụ cấp bao gồm cả phần phụ cấp thâm niên và tăng phụ cấp ưu đãi nghề với nhà giáo. Đây được kỳ vọng là chính sách đột phá về tiền lương cho giáo viên, trong bối cảnh nhiều người than "lương giáo viên không đủ sống".
Theo chuyên gia và "người trong cuộc", dự thảo đang được xây dựng đã có nhiều điểm mới liên quan chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo. Trong đó, dự thảo nêu rõ nhà giáo được bổ nhiệm chức danh nào được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù áp dụng đối với chức danh đó.
Việc trả lương phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo và nguồn trả lương (từ ngân sách nhà nước cấp hoặc hỗ trợ và từ các nguồn thu theo quy định của pháp luật dùng để trả lương) của cơ sở giáo dục.
Đối với việc chuyển xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, việc chuyển xếp lương đối với nhà giáo thực hiện theo quy định hiện hành về chuyển xếp lương đối với viên chức... Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung quy định nhà giáo sẽ được hưởng hệ số lương đặc thù theo từng ngạch viên chức.
Về các loại phụ cấp khác đối với nhà giáo, dự thảo nghị định quy định có các chế độ phụ cấp gồm thâm niên vượt khung, trách nhiệm công việc, khu vực, lưu động, công tác ở vùng đặc biệt khó khăn, độc hại, nguy hiểm thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nhà giáo được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo quy định của Chính phủ cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.
Đáng chú ý, về mức phụ cấp ưu đãi nghề dành cho nhà giáo trong dự thảo nghị định với một số nhóm giáo viên đã tăng hơn so với hiện hành. Việc này theo đánh giá sẽ giúp cải thiện thu nhập và ghi nhận sự đóng góp nghề nghiệp, đặc biệt với giáo viên mầm non.
Cụ thể, với giáo viên mầm non mức phụ cấp ưu đãi nghề hiện hành là 35%, trong khi dự thảo đề xuất tăng lên 45%. Mức phụ cấp 80% áp dụng đối với viên chức, người lao động làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, theo dự thảo, nhà giáo được hưởng tối đa hai phụ cấp trách nhiệm khi kiêm nhiệm. Đồng thời dự kiến phụ cấp chức vụ chỉ còn của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường.
Còn theo quy định hiện hành, mức phụ cấp chức vụ cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn. Dự thảo cũng mở rộng đối tượng và mức hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc đối với nhiều nhóm nhà giáo đang kiêm nhiệm các vai trò quan trọng trong hoạt động dạy học và hỗ trợ học sinh...
Theo các chuyên gia, dự thảo nghị định cũng đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực và nhân văn góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe và điều kiện làm việc của đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là giáo viên ở vùng khó khăn.
Như nhà giáo được khám sức khỏe ít nhất một lần/năm. Trường hợp nhà giáo thuộc đối tượng được chi trả phụ cấp độc hại, nguy hiểm được khám sức khỏe ít nhất hai lần/năm. Các chính sách về hỗ trợ nhà ở công vụ, thuê nhà ở, hỗ trợ giáo viên dạy lớp ghép, trẻ dân tộc thiểu số... Cùng với đó là các chính sách thu hút, trọng dụng nhà giáo.