Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Khi người trẻ kể tiếp câu chuyện về đất nước

79 năm đã trôi qua kể từ thời khắc lịch sử ấy, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Giữa dòng chảy thời gian không ngừng biến đổi, ngày Quốc khánh vẫn là dịp để người Việt Nam cùng nhau ôn lại truyền thống hào hùng, tri ân công lao của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập hôm nay.

Và những người trẻ, thế hệ được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, phát triển cũng đang có những cách rất riêng để kể câu chuyện về đất nước.

Thổi làn gió mới vào những trang sử cũ

Những ngày gần đây, trong bầu không khí hân hoan khi cả nước đang hướng tới ngày Tết Độc lập trọng đại của toàn dân tộc, các trang mạng xã hội bắt đầu đăng tải hình ảnh chụp từ trên cao, phía dưới là những mái nhà được người dân tô vẽ, khoác lên mình sắc đỏ sao vàng của lá cờ Tổ quốc.

Bắt nguồn từ việc một TikToker ở Vĩnh Phúc muốn biến mái nhà thành lá cờ Tổ quốc, việc vẽ và sơn cờ đỏ sao vàng lan rộng ra toàn quốc với tốc độ chóng mặt, nhanh chóng trở thành một hiện tượng và được hưởng ứng mạnh mẽ. Hàng trăm video, hình ảnh về lá cờ Tổ quốc liên tục được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy sức lan tỏa của trào lưu này. Có những video thu về hàng triệu lượt xem và hàng trăm nghìn lượt tương tác.

Điều đáng nói, lực lượng chủ yếu khởi xướng và hưởng ứng trào lưu này lại chính là những người trẻ. Và nếu nhìn rộng hơn, phong trào "Mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc" một lần nữa cho thấy người trẻ, theo những cách sáng tạo khác nhau, vẫn đang từng ngày từng giờ kết nối và cống hiến cho đất nước.

Khi người trẻ kể tiếp câu chuyện về đất nước- Ảnh 1.

Trào lưu vẽ, sơn cờ Tổ quốc trở thành xu hướng trên nhiều nền tảng mạng xã hội.

Một ví dụ điển hình khác chính là việc đội ngũ những người trẻ làm truyền thông cho Nhà tù Hỏa Lò, một di tích lịch sử quan trọng tại Hà Nội. Thay vì hướng đến tệp khách hàng rất rộng là những người muốn tìm hiểu lịch sử, những người cựu chiến binh, thương binh muốn quay lại chốn cũ, đội ngũ truyền thông của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã rất sáng tạo khi quyết định đối tượng mục tiêu hướng tới chính là GenZ, những người trẻ năng động, sáng tạo, sử dụng mạng xã hội nhiều và có khả năng truyền tải tốt.

Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày hiện vật, kể lại những câu chuyện quá khứ, trang Facebook của Hỏa Lò đã lồng ghép nguồn kiến thức, tri thức bổ ích thông qua những hình thức đa dạng như kể chuyện lịch sử kết hợp với hình ảnh minh hoạ, series giới thiệu hiện vật, thậm chí là sáng tạo meme, một xu hướng nổi bật trong giới trẻ.

Những bài đăng thu hút hàng nghìn lượt tương tác và lượng người đến tham quan di tích đông đảo. Đến nỗi, giới trẻ ngày nay thường nói vui với nhau rằng "rồi ai cũng phải đi tù thôi!".

Và chiến lược truyền thông của những người trẻ đã thực sự mang lại kết quả ngoài mong đợi nếu nhìn vào mức độ tăng trưởng khách tham quan và sự cơ cấu lại đối tượng khách đến với Nhà tù Hỏa Lò. Trang fanpage của Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã thu về 338 nghìn lượt thích, 402 nghìn người theo dõi, một con số ấn tượng đối với một trang về chủ đề lịch sử, không hề kém cạnh so với những fanpage giải trí lớn hiện nay tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến những kênh YouTube, chuyên sản xuất các video về lịch sử. Nổi bật trong số những "người kể chuyện sử" trên nền tảng này, không thể không nhắc đến 2 cái tên: "Đuốc Mồi" và "Việt Sử Kiêu Hùng". Cả hai kênh đều chung một sứ mệnh đó là thắp lên ngọn lửa yêu sử Việt trong lòng mỗi người xem, đặc biệt là giới trẻ.

"Việt Sử Kiêu Hùng" là dự án phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền cảm hứng sử Việt cho người Việt được một nhóm người trẻ mang tên "Đuốc Mồi" khởi xướng. Dự án được thực hiện dưới hình thức phim dã sử theo phong cách diễn họa, tái hiện những nhân vật lịch sử, những trận đánh, hay những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Với hình thức này, người xem sẽ cảm thấy thu hút hơn, dễ dàng ghi nhớ các dữ kiện lịch sử, thay vì đọc và học thuộc lòng trên những trang sách vở.

Anh Trần Minh Tuấn, Trưởng dự án "Việt Sử Kiêu hùng" và dự án "Đuốc Mồi", từng bày tỏ:"Cũng như nhiều người, mình từng rất ngại học Sử vì những con số khô khan, lối truyền thụ cứng nhắc. Nhưng càng làm phim, càng phát hiện ra giới trẻ Việt rất mê Sử, vấn đề là thiếu đi phương tiện và cách thức truyền thụ sinh động, gây hứng thú. Bọn mình muốn đánh thức tình yêu đó trong mọi người qua từng sản phẩm".

Cẩn trọng để có cái nhìn khách quan

Không thể phủ nhận giá trị tích cực mang lại từ những việc làm hướng về đất nước của người trẻ. Điều đó đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước của người dân để tình yêu đó được nhân lên gấp bội, liên tục truyền cảm hứng và trở thành động lực cho khát vọng Việt Nam.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo việc thể hiện tình yêu nước của người trẻ trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội cũng cần được thực hiện một cách kỹ càng để không biến trào lưu thành một nguy cơ gây ra hiệu ứng tiêu cực.

Và để hiểu sâu sắc và trân trọng lịch sử, không thể chỉ dựa vào những nội dung trên mạng xã hội. Việc học tập, nghiên cứu lịch sử một cách bài bản vẫn là điều cần thiết.

Khi người trẻ kể tiếp câu chuyện về đất nước- Ảnh 2.

Bằng những cách sáng tạo khác nhau, người trẻ vẫn đang từng ngày từng giờ kết nối và cống hiến cho đất nước.

Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo, giảng viên Khoa Lịch sử Đảng - Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết: "Mạng xã hội là một kênh thông tin hữu ích, giúp người trẻ tiếp cận lịch sử một cách nhanh chóng và sinh động. Tuy nhiên, thông tin trên mạng xã hội thường mang tính đại chúng, đôi khi chưa được kiểm chứng kỹ càng. Vì vậy, người trẻ cần có sự tỉnh táo, chọn lọc thông tin, đồng thời kết hợp với việc học tập, nghiên cứu lịch sử từ các nguồn chính thống".

Chuyên gia này cho rằng bên cạnh tận dụng mạng xã hội như một công cụ để tiếp cận lịch sử, các bạn cũng nên dành thời gian để tham gia các hoạt động ngoại khóa liên quan đến lịch sử, như tham quan các di tích lịch sử, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, tham gia các cuộc thi tìm hiểu lịch sử,... để trải nghiệm thực tế, hiểu sâu sắc hơn về lịch sử, góp phần lan tỏa giá trị lịch sử đến cộng đồng.

"Lịch sử không chỉ là quá khứ, mà còn là hiện tại và tương lai. Bản thân là một người giảng dạy bộ môn này, tôi rất vui khi các sinh viên của tôi nói riêng và thế hệ trẻ ngày nay nói chung đều có ý thức kế thừa những giá trị mà cha ông để lại. Giá trị này được hun đúc từ những cuộc đấu tranh gìn giữ và bảo vệ Tổ quốc từ ngàn đời xưa đến nay. Gìn giữ những giá trị lịch sử để hiểu về cội nguồn, để tự hào về dân tộc, và để sống tốt hơn trong hiện tại", Tiến sĩ Nguyễn Thị Hảo nói.

 

Cao Hoa/Người đưa tin