Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

“Không quản lý tốt đồ uống có đường còn nguy hại hơn đồ uống có cồn"

Với đồ uống có đường, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga đồng ý rà soát để xem xét sử dụng biện pháp áp thuế, nhưng đặc biệt chú ý đến tính thời điểm.

Người Đưa Tin (NĐT) đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương xoay quanh việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt liệu có làm giảm được việc tiêu thụ đồ uống có đường? 

Lạm dụng đồ uống có đường

NĐT: Thưa bà, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề xuất đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà làm chính sách, doanh nghiệp cho đến người tiêu dùng. Ý kiến của bà như thế nào về đề xuất này? 

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Về quan điểm, tôi ủng hộ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường với các lý do: 

Đó là, tác hại của việc lạm dụng, tôi nhấn mạnh là lạm dụng đồ uống có đường đã rất rõ ràng. Theo báo cáo của Bộ Y tế thì hàng năm gánh nặng bệnh tật đối với người Việt dồn vào bệnh không lây nhiễm chiếm đến trên 70%. 

Nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm có một phần lớn là do lối sống, do dinh dưỡng không hợp lý, vận động không hợp lý. Dinh dưỡng không hợp lý lại bao gồm lạm dụng đồ uống có đường, còn nguyên nhân nữa là lạm dụng đồ uống có cồn. 

Việc lạm dụng đồ uống và đồ ăn có đường là một trong những tác nhân gây tiểu đường.  Đây là một bệnh không lây nhiễm và rất đáng báo động đối với người Việt trong giai đoạn hiện nay. Thừa cân, béo phì dẫn đến nhiều các bệnh khác, như tim mạch… tạo nên gánh nặng bệnh tật rất lớn cho người Việt. 

Thêm một con số đáng suy ngẫm nữa, theo báo cáo về Tình hình thực hiện công tác dân số trong nước trong 6 tháng đầu năm 2022 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, tuổi thọ trung bình hiện nay của người Việt là trên 73 tuổi nhưng số năm sống thực sự khỏe mạnh chỉ là 64 tuổi, nghĩa làm mỗi một người sẽ có 10 năm vật lộn với bệnh tật trước khi chết. Đây là điều rất đáng suy ngẫm, có nghĩa là là người Việt có một tuổi già không khỏe mạnh. 

Kinh tế vĩ mô - “Không quản lý tốt đồ uống có đường còn nguy hại hơn đồ uống có cồn'

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga. 

Tuổi già không khỏe mạnh không chỉ ảnh hưởng rất tiêu cực đến bản thân con người mà nó còn là một gánh nặng khổng lồ đối với các gia đình.  

Nếu như gia đình nào mà có người thân vật lộn với bệnh tật lúc tuổi già thì chúng ta sẽ hiểu, không những tốn kém về mặt chi phí điều trị, vì chi phí điều trị những bệnh không lây nhiễm rất lớn, phải duy trì thuốc men hàng ngày.  

Thậm chí, ảnh hưởng đến chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc của cả một gia đình. Không có gia đình nào vui vẻ cả khi có một người nằm đấy chờ chết. 

Không phải tất cả đều do đồ uống có đường nhưng lạm dụng đồ uống có đường là một nguyên nhân. 

NĐT: Như bà nói việc lạm dụng đồ uống có đường là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm. Theo kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc mới nhất (2017-2020) do Bộ Y tế công bố năm 2021 cho thấy tỉ lệ thừa cân và béo phì tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Con số này nói lên điều gì, thưa bà? 

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Điều tôi quan tâm nữa đó là số lượng trẻ em béo phì ngày một gia tăng, gia tăng ở các đô thị lớn và hiện nay lan đến các vùng nông thôn. Một trong những nguyên nhân đó là lạm dụng đồ uống có đường. 

Và một trong những nguyên nhân khiến cho người ta dễ lạm dụng đồ uống có đường đó là giá quá rẻ. Hiện nay, ra siêu thị thấy giá một chai nước ngọt một lít rưỡi rất rẻ. 

Trẻ em có thể sẵn sàng để dành dụm tiền tiêu vặt mình có được để mua nước ngọt, dễ mua và chỉ số của nước ngọt nếu đọc thì sẽ thấy lượng đường rất cao. Thế nhưng trẻ em rất thích . 

Về mặt nào đó, tôi thấy nếu không quản lý tốt đồ uống có đường còn nguy hại hơn đồ uống có cồn. 

Đặc biệt chú ý đến tính thời điểm

NĐT: Đại biểu có thể lý giải rõ hơn việc không quản lý tốt đồ uống có đường còn nguy hại hơn đồ uống có cồn? 

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Đồ uống có cồn tác động tới hành vi của con người thì chúng ta đã rõ, nhưng tại sao tôi nói đồ uống có đường nguy hiểm hơn. 

Thứ nhất, đồ uống có cồn còn kén đối tượng sử dụng.  Ví dụ, chị em phụ nữ sử dụng ít, trẻ em hầu như không sử dụng, thậm chí người trưởng thành là nam giới có người dùng được có người không, 

Nhưng, đồ uống có đường ai cũng sử dụng được về mặt đối tượng rộng hơn rất nhiều. Đồ uống có cồn không hướng đến trẻ em, nhưng đồ uống có đường hướng đến trẻ. 

Thêm nữa, về mặt vị giác đồ uống có cồn không hấp dẫn vị giác trừ những người nghiện. Còn đồ uống có đường cực kỳ hấp dẫn vị giác. 

Bởi, vị ngọt theo như nghiên cứu khoa học là vị giác hấp dẫn nhất đối với con người. Bởi vậy, đồ uống có đường rất hấp dẫn từ trẻ em bé xíu đã thích vị ngọt này rồi. Dẫn đến việc lạm dụng, thậm chí nghiện là có thật. 

Vì đối tượng rộng rãi như vậy, nên tôi nhìn mức độ nguy hại còn nguy hại hơn đồ uống có cồn nếu lạm dụng. Với đồ uống có đường chúng ta chưa nhìn nhận nó là nguy hại. Vì bản thân đồ uống có đường là không nguy hại nếu chúng ta sử dụng đúng, nhưng tôi nhắc đi nhắc lại là nếu lạm dụng thì nó nguy hại vô cùng. 

Kinh tế vĩ mô - “Không quản lý tốt đồ uống có đường còn nguy hại hơn đồ uống có cồn' (Hình 2).

Cần nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về dinh dưỡng trẻ em.

Về điều này, tôi nhận thấy các bậc làm cha làm mẹ cũng như trẻ em chúng ta chưa nhận thức được. Rất ít người nhận thức được mức độ nguy hại của việc lạm dụng đồ uống có đường. Chính vì vậy, trong một thời gian dài, chúng ta ta hơi mất cảnh giác với đồ uống có đường, dẫn đến tình trạng hiện nay đang có những hệ lụy rất đáng báo động, đặc biệt là tình trạng béo phì, thừa cân ở trẻ. 

Khi ở tuổi thơ các em đã thừa cân, béo phì thì dẫn đến một loạt các vấn đề nan giải khác như về mặt hình thể khi đến tuổi trưởng thành, các em sẽ tự ti, khi tự ti sẽ hạn chế các cơ hội khác trong cuộc sống. Vấn đề nữa nằm ở sức khỏe, thanh niên mà tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật. 

Vẫn theo báo cáo của Bộ Y tế, tình trạng béo phì đáng báo động, đặc biệt đối với trẻ em và thanh niên nhưng đã xuất hiện những căn bệnh trước đây không xuất hiện ở người trẻ thì hiện nay lại xuất hiện và nguyên nhân do lối sống là chủ yếu. Như đột quỵ, cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, tiểu đường… bệnh nhân đang trẻ hóa. 

Một phần trong lối sống đấy là việc lạm dụng đồ uống có đường, không khó khi bắt gặp hình ảnh giới trẻ sử dụng đồ uống có đường một cách rất thoải mái, không suy nghĩ cân nhắc tính toán. Thậm chí, có những người trẻ chi một khoản rất lớn trong ngân sách hàng tháng của mình để uống trà sữa, uống nước ngọt. 

Do đó, nên hạn chế và một trong những giải pháp đó là giải pháp về thuế. Thuế là một công cụ thiết yếu để Nhà nước, Chính phủ điều chỉnh nếu muốn khuyến khích hoặc hạn chế một mặt hàng nào đó thì Nhà nước sử dụng công cụ thuế, là một trong những công cụ hữu hiệu. 

NĐT: Theo bà, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường thời điểm này đã hợp lý hay chưa? Liệu có khả thi, hạn chế được việc tiêu thụ đồ uống có đường? 

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga: Với đồ uống có đường, tôi đồng ý là chúng ta rà soát để xem xét sử dụng biện pháp thuế, nhưng đặc biệt chú ý đến tính thời điểm. Thời điểm này đã hợp lý chưa thì tôi e rằng chưa được hợp lý.  

Bởi, hiện nay chúng ta đang sử dụng rất nhiều giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sau đại dịch Covid-19. Các doanh nghiệp có khôi phục được thì nền kinh tế mới được vực vậy. Trong tình hình chung, chúng ta đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường thì chắc chắn sẽ tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp. 

Trong thời điểm này, theo tôi chúng ta nên rà soát để xây dựng thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng thời điểm áp dụng cần tính toán tránh tạo áp lực cho các doanh nghiệp.

NĐT: Theo bà, ngoài việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, chúng ta cần thêm những biện pháp như thế nào để hạn chế việc tiêu thụ, bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt giới trẻ?

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga:  Để giảm thiểu việc tiêu thụ đồ uống có đường.  Bên cạnh công cụ là thuế, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo những cái giải pháp khác cũng thực sự hữu hiệu. Ví dụ cần có những quy định chặt chẽ hơn về quảng cáo đồ uống có đường. 

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng đồ uống có đường. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt từ giáo dục gia đình nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ về dinh dưỡng trẻ em hay các trường từ cấp học mầm non tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng. Đây cũng là một cách hữu hiệu để giảm thiểu việc tiêu thụ đồ uống có đường. 

NĐT: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

 

Hoàng Bích - Tú Anh