Chuẩn bị những lao động giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển
Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành có ngư trường trọng điểm của cả nước, với nghề cá phát triển mạnh từ lâu đời, đứng đầu cả nước trong thời gian dài, giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động, góp phần phát triển kinh tế gia đình cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản trên biển của tỉnh khoảng 437.199 tấn, bằng 91,08% kế hoạch và chỉ bằng 87,03% so cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh hiện có đoàn tàu cá hơn 8.210 chiếc đã đăng ký, trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên 3.634 tàu. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng khai thác trên ngư trường khoảng 435.000 tấn thủy sản.
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá chia sẻ, đến thời điểm này, thành phố Rạch Giá có khoảng 25 - 30% tàu cá của ngư dân đã ra khơi. Những con tàu đã ra biển, bà con chuẩn bị những lao động giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển.
Một cặp tàu cào đôi chủ tàu phải đầu tư 1,4 - 1,5 tỷ đồng cho chuyến biển trên dưới 20 ngày, tàu làm các nghề lưới khác khoảng 500 - 600 triệu đồng/tàu. Với đồng vốn ban đầu khá cao đó, nhiều bà con ngư dân cũng đang gặp khó khăn về tài chính.
Thực tế, khai thác thuỷ sản trên ngư trường của ngư dân Kiên Giang trong tháng 1/2024 trong xu hướng sụt giảm, do ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt; việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa thật sự hiệu quả, nhiều phương tiện khai thác thuỷ sản vẫn hoạt động cầm chừng vì đánh bắt không hiệu quả, một số tàu cá chậm ra biển do chi phí đi biển khá lớn, ngư dân thiếu vốn.
Từ đó, sản lượng khai thác thấp so với cùng kỳ các năm trước, hơn 37.000 tấn, giảm 1,65%, phần nào ảnh hưởng đến chuyến biển đầu năm con Rồng 2024.
Hiện nay, trở ngại lớn của nhiều ngư dân Kiên Giang là đồng vốn ban đầu và cần tỉnh hỗ trợ khơi thông để con tàu ra khơi.
Ngoài ra, ngư dân đánh bắt xa bờ yêu cầu ngành thủy sản Kiên Giang xây dựng ngư trường bền vững, có chính sách cân đối giữa số lượng tàu và ngư trường hợp lý, nhằm khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản như hiện nay.
Cụ thể là, cần có những giải pháp đồng bộ để ngư trường trong nước dồi dào tôm cá, kiên quyết chấm dứt nghề cào bờ xiệp mé, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện khai thác đánh bắt, xâm hại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Bên cạnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ ngư dân ra khơi khai thác đánh bắt thủy sản hiệu quả, tỉnh Kiên Giang tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là từ nay đến tháng 4/22024, Đoàn Thanh tra của EC về IUU tiếp tục đến Việt Nam thanh tra lần thứ 5, trong đó dự kiến sẽ thanh tra tại Kiên Giang.
Khai thác hải sản đúng pháp luật
Thăm hỏi, tặng quà, động viên ngư dân xuất hành vươn khơi bám biển khai thác sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại khu vực Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn kêu gọi bà con ngư dân, nhất là chủ tàu, thuyền trưởng, ngư phủ tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về khai thác hải sản đúng pháp luật, không gây hại đến nguồn lợi, không đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín và danh dự của quốc gia, dân tộc.
Nhận những phần quà, động viên của ngành nông nghiệp trước khi xuất hành chuyến biển đầu năm mới, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng cam kết ra biển khai thác đúng quy định của pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, quyết tâm cùng với tỉnh gỡ “Thẻ vàng” của EC.
Một thuyền trưởng tàu cá ở xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành chia sẻ, tôi được Đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước khi đưa tàu ra khơi, không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.
Trước khi tàu xuất bến, tôi kiểm tra lại đầy đủ giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình hoạt động tốt, không để mất kết nối với hệ thống VMS. Đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, đúng ngư trường và ghi nhật ký khai thác đầy đủ, đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh cho biết, nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm đến tháng 30/4/2024, quyết liệt chống khai thác IUU là tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU.
Tỉnh Kiên Giang cam kết, trước ngày 30/4/2024, hoàn thành công tác điều tra, xác minh, xử lý nhóm tàu vi phạm và có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài của năm 2023.