Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Kỳ vọng đặc phái viên của ông Trump có thể đưa Nga và Ukraine ngồi vào bàn đàm phán

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã chọn Trung tướng về hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên về Ukraine và Nga. Được biết, ông Kellogg là người có quan điểm dùng viện trợ Mỹ như 1 công cụ buộc Ukraine đàm phán với Nga.

"Tôi rất vui mừng khi đề cử tướng Keith Kellogg làm Trợ lý Tổng thống và đặc phái viên về Ukraine và Nga", Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump thông báo trên mạng xã hội ngày 27/11. "Ông Keith đã có sự nghiệp quân sự và kinh doanh xuất sắc, trong đó có việc đảm nhiệm các vai trò an ninh quốc gia nhạy cảm trong chính quyền của tôi".

Được biết, Trung tướng về hưu Kellogg, 80 tuổi, từng nắm một số chức vụ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump như chánh văn phòng hội đồng an ninh quốc gia Nhà Trắng hay cố vấn an ninh quốc gia của ông Mike Pence, người khi đó là Phó tổng thống Mỹ. Ông cũng là gương mặt quen thuộc trên truyền hình nước này.

1-1732898051.png
Ông Keith Kellogg. (Ảnh: Newscom/Alamy)

Quyết định lựa chọn ông Kellogg làm đặc phái viên về Ukraine và Nga của ông Trump diễn ra trong bối cảnh Washington đang thúc đẩy việc hoàn tất nhiều đợt chuyển giao khí tài hơn cho Kiev trước khi Tổng thống Biden mãn nhiệm.

Hồi tháng 4, ông Kellogg và cựu chuyên gia phân tích CIA Fred Fleitz đã trình lên ông Trump một tài liệu chính sách do họ là đồng tác giả, trong đó đề xuất chấm dứt xung đột giữa 2 nước láng giềng ở châu Âu bằng cách dừng cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine nếu nước này không tham gia đàm phán hòa bình với Nga, đồng thời cảnh báo Moscow rằng nếu họ từ chối ngồi vào bàn thương lượng với Kiev, sự trợ giúp của Washington cho Ukraine sẽ tăng lên.

Tài liệu này cho rằng, chính sách đối ngoại "thiếu nghiêm túc và không mạch lạc" của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khiến cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài 3 năm. Ông Kellogg và đồng tác giả báo cáo cũng buộc tội chính quyền Biden đặt "chương trình nghị sự lý tưởng của giới tinh hoa toàn cầu lên trên mối quan hệ hiệu quả với Nga, tạo thành "chính sách thù địch khiến Nga trở thành kẻ thù của Mỹ". 

Bên cạnh đó, bộ đôi Kellogg và Fleitz còn lên án các quyết định chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng như đe dọa áp trừng phạt "chưa từng có" khi Moscow chuẩn bị phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, "thay vì sử dụng hòa đàm để giảm căng thẳng". "Cách tiếp cận ‘nước Mỹ trên hết’ có thể đã ngăn chặn được xung đột", ông Kellogg và ông Fleitz viết.

Tại đại hội toàn quốc đảng Cộng hòa (RNC) hồi tháng 7, ông Kellogg nhấn mạnh lựa chọn của Ukraine trong xung đột với Nga là "tương đối rõ ràng".

"Ukraine không muốn đàm phán cũng được, song phải chấp nhận có thể sẽ hứng chịu tổn thất to lớn ở các thành phố và trẻ em sẽ mất mạng. Họ cũng phải chấp nhận thương vong sẽ không dừng ở mức 130.000 người chết, mà lên tới 230.000-250.000 người", Trung tướng về hưu cho biết.

Quân đội Ukraine đã nhận được gần 60 tỷ USD viện trợ từ Mỹ sau khi xung đột ở nước này bùng phát vào đầu năm 2022. Tuy nhiên, việc ông Trump quay trở lại Nhà Trắng đang khiến những người ủng hộ Ukraine lo ngại nguồn tài trợ này sẽ sớm bị cắt đứt.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 19/11. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảnh báo nước này sẽ thua trong cuộc chiến với Nga nếu Washington cắt viện trợ cho Kiev.

Ngọc Bảo (T/h theo Vietnamnet, VnExpress)