Nhận định đầu tư
Chứng khoán Asean (Aseansc): Thị trường ghi nhận phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp với sự đóng góp chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trụ hồi phục từ vùng giá thấp. Đã có thời điểm dòng tiền lan tỏa tốt toàn thị trường, song dưới áp lực chốt lời gia tăng tại vùng giá cao, VN-Index đã không thể bứt phá mạnh và đà tăng đã bị thu hẹp về cuối phiên.
Do đó, Aseansc bảo lưu quan điểm thị trường vẫn đang vận động trong vùng đi ngang. VN-Index sẽ vẫn cần các nhịp tái tích lũy trở lại để củng cố đà tăng, do đó nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng nếu thị trường quay lại kiểm định mốc 1.265 điểm.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong phiên 6/6 và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại vùng hỗ trợ 1.265 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn và rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao cho nên các nhà đầu tư vẫn nên thận trọng với các vị thế mua mới trong giai đoạn này. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng sát vùng lạc quan quá mức cho nên nhịp điều chỉnh có thể xảy ra.
Chứng khoán Beta: Theo quan điểm kỹ thuật cho rằng về mặt xu hướng, VN-Index vẫn duy trì xu hướng ngắn hạn tích cực khi nằm trên các đường trung bình quan trọng. Chỉ báo MACD trở lại tín hiệu khả quan. Trong giai đoạn này, vùng 1.250 - 1.260 điểm tiếp tục đóng vai trò là mức hỗ trợ ngắn hạn quan trọng cho thị trường.
Thanh khoản duy trì ở mức cao trong thời gian gần đây cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư vào thị trường vẫn khá cao, đây là tín hiệu tích cực cho thấy tâm lý thị trường vẫn ổn định và có thể tạo điều kiện cho các đợt tăng điểm tiếp theo.
Ngoài ra, khối ngoại chuyển từ trạng thái bán ròng sang mua ròng nhẹ có thể báo hiệu sự lạc quan của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, VN-Index đang nằm trong vùng kháng cự mạnh 1.280 - 1.300 điểm và lực cầu bắt đầu suy yếu.
Tin vắn chứng khoán
- Tin vui từ xuất khẩu gạo của Việt Nam. Mới đây, ông Arsenio Balisacan, Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Phát triển quốc gia Philippines tuyên bố giảm thuế nhập khẩu với mặt hàng gạo từ 35% xuống 15% và kéo dài đến năm 2028. Đặc biệt, chính sách này áp dụng với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch. Quyết định này nhằm tạo thuận lợi cho các nhà nhập khẩu gạo và đưa gạo về mức giá phù hợp với số đông.
Có thể nói đây là tin vui cho gạo Việt Nam. Bởi, theo Thương vụ Việt Nam tại Philippines, nhập khẩu gạo của Philippines từ đầu năm 2024 đến ngày 23/5 đạt gần 2 triệu tấn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, gạo Việt Nam chiếm đến gần 73% thị phần. Đứng thứ hai là gạo Thái Lan đạt 300.227 tấn, tiếp theo là gạo Parkistan đạt 144.834,5 tấn, còn gạo Myanmar đạt 65.080 tấn.
- Xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh. Đầu tháng 6/2024, thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2024, trị giá xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 4,9 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,35 tỷ USD, tăng 27,7% so với cùng kỳ năm trước.
Dữ liệu từ báo cáo tài chính các doanh nghiệp ngành gỗ cho thấy, trong số 15 doanh nghiệp gỗ và sản phẩm gỗ trên sàn (HOSE, HNX, UPCoM) công bố kết quả kinh doanh quý 1/2024, có 9 doanh nghiệp tăng lãi, 4 doanh nghiệp giảm lãi và 2 doanh nghiệp tiếp tục lỗ.