Nhận định đầu tư
Chứng khoán Đông Á (DAS): VN-Index mở cửa phiên 5/8 với mức giảm sâu và đóng phiên với mức giảm gần 50 điểm, phủ sắc ảm đạm lên kỳ vọng những phiên tiếp theo. Chỉ số chung của thị trường VN-Index - đã mất hơn 8% trong 30 ngày qua và phần lớn các cổ phiếu đang trong xu hướng giảm.
Đối với việc xem xét cơ hội đầu tư, ưu tiên chiến lược trung dài hạn, quan tâm các cổ phiếu cơ bản như ngân hàng, điện, cảng biển, khu công nghiệp, bất động sản nhà ở. Đối với các giao dịch ngắn hạn, cần chú trọng quản lý vốn để thích nghi với những biến động mạnh của thị trường trong giai đoạn hiện tại.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): VN-Index ghi nhận phiên giao dịch rung lắc mạnh với diễn biến trượt giá bao phủ phần lớn thị trường và về quanh mốc 1.190 điểm. Nếu dòng tiền không có diễn biến đảo chiều trong các phiên tiếp theo thì cần chú ý mốc hỗ trợ tiếp theo ở vùng 1.180 điểm.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư hạn chế bán đuổi trong những phiên giảm điểm mạnh. Hiện tượng call margin từ nhiều tài khoản cũng gia tăng tác động tiêu cực lên thị trường và có thể VN-Index sẽ sớm có nhịp phục hồi trở lại khi chạm vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.180 điểm.
Tuy vậy, các nhà đầu tư vẫn nên rà soát lại danh mục, chờ đợi những phiên phục hồi kỹ thuật để bán giảm những cổ phiếu có xu hướng xấu hơn thị trường hơn là bắt đáy các cổ phiếu vừa mới bước vào pha giảm giá trong giai đoạn này.
Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Xu hướng ngắn hạn của thị trường duy trì tiêu cực, VN-Index vẫn chịu rủi ro tiếp tục điều chỉnh về vùng giá 1.150 – 1.170 điểm.
Xu hướng trung hạn của VN-Index chỉ có thể cải thiện trở lại khi ngắn hạn vượt lên vùng kháng cự 1.200 – 1.211 điểm.
Nhà đầu tư ngắn trung hạn nên duy trì tỉ trọng dưới mức trung bình, ưu tiên kiểm soát rủi ro ngắn hạn, kiểm soát các mức dừng lỗ nếu có, khi áp lực bán giải chấp ngắn hạn đang gia tăng.
Khuyến nghị đầu tư
- HPG (CTCP Tập đoàn Hoà Phát): Khả quan, giá mục tiêu một năm là 31.400 đồng/cổ phiếu.
Lợi nhuận ròng của HPG trong quý II/2024 đạt 3.300 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng đáng kể 129,3% so với cùng kỳ và 16% so với quý trước. Mức tăng trưởng ấn tượng này được thúc đẩy bởi sản lượng tiêu thụ thép, đặc biệt là sản lượng tiêu thụ thép xây dựng tăng 31% so với quý trước và tăng 61% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu thị trường phục hồi và thị phần tăng.
SSI ước tính lợi nhuận ròng năm 2024 là 12.800 tỷ đồng, tăng 86,6% so với cùng kỳ. SSI cho rằng sản lượng thép xây dựng và HRC của công ty sẽ lần lượt đạt 4,5 triệu tấn (tăng 17,6% so với cùng kỳ) và 3,05 triệu tấn (tăng 10% so với cùng kỳ) trong năm 2024.
Trong ngắn hạn, SSI kỳ vọng lợi nhuận ròng quý III/2024 sẽ giảm so với quý II do giá thép khu vực điều chỉnh và sản lượng giảm trong mùa thấp điểm, trước khi phục hồi vào quý IV. Mức tăng trưởng so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2024 có khả năng sẽ chậm lại đạt mức 32% so với cùng kỳ từ mức 233% trong nửa đầu năm 2024 do mức nền cao trong nửa cuối năm 2023 và giá thép thấp hơn.
Đối với năm 2025, SSI kỳ vọng lợi nhuận của công ty sẽ tăng 23% so với cùng kỳ đạt 15.700 tỷ đồng, nhờ sản lượng HRC tăng 66% so với cùng kỳ đạt 5,2 triệu tấn sau khi lò cao đầu tiên của Dung Quất 2 đi vào hoạt động.
- GMD (CTCP Gemadept): Chờ bán.
Quý II/2024, tuy doanh thu thuần đạt 1.181 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ nhờ sản lượng xếp dỡ cảng tăng trưởng tốt, lợi nhuận sau thuế đạt 303 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ do cùng kỳ năm trước công ty ghi nhận khoản lãi từ thoái vốn cảng Nam Hải Đình Vũ.
TCBS đánh giá hoạt động kinh doanh cốt lõi năm nay của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng khả quan nhờ nhu cầu hàng hóa phục hồi cùng với giá dịch vụ xếp dỡ tăng. Với triển vọng như đã đề cập trên, nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu chờ cơ hội chốt lời.