Mới đây nhất, ngày 20/5, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 10, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với PC 03 Công an Hà Nội và Công an huyện Mê Linh kiểm tra Kho lạnh tại địa chỉ Lô 11, khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội, phát hiện 11.900kg dạ dày lợn, có nhãn chữ nước ngoài, được chứa đựng trong 1.190 thùng, loại 10 kg/thùng.
Tại thời điểm kiểm tra đại diện chủ hàng chưa xuất trình được các hóa đơn, giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của lô hàng trên. Toàn bộ lô hàng bị tạm giữ để làm rõ và xử lý.
Trước đó, tối 20/5, Đội QLTT số 3 (liên huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Bình) tỉnh Thái Nguyên kiểm tra, phát hiện đối tượng tàng trữ thịt gia cầm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đêm ngày 2/5, tại ấp Lung Lớn, xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang, lực lượng chức năng cũng phát hiện trên 500kg tôm nguyên liệu chưa xác định được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp.
Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 phối hợp cùng Đội 7 Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Công an phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra điểm kinh doanh hàng hóa, địa chỉ tại phường Bình Chiểu, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. Tại điểm kinh doanh, chứa trữ hàng hóa trên, đoàn kiểm tra phát hiện 7.800 kg thực phẩm đông lạnh các loại là nội tạng động vật chưa qua sử dụng, không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ghi ngày sản xuất, không ghi hạn sử dụng, không thực hiện việc ghi nhãn hàng hóa đúng theo quy định. Trị giá hàng hóa vi phạm là 558.300.000 đồng căn cứ giá niêm yết trên sản phẩm.
Ngày 29/4/2024, trên địa bàn thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, Đội QLTT số 7- Cục quản lý thị trường Quảng Ninh phối hợp với Đội cảnh sát giao thông số 1- Công an tỉnh Quảng Ninh tiến hành kiểm tra phương tiện vận tải biển kiểm soát 14H-02030 do Đặng Đức Minh là lái xe, kiêm chủ hàng điều khiển.
Trong quá trình khám xe, lực lượng quản lý thị trường phát hiện trên xe có 950kg cua cà ra dạng con đóng trong các rọ nhựa. Làm việc với lực lượng quản lý thị trường lái xe Đăng Đức Minh cho biết mình là chủ sở hữu số hàng hóa trên. Do mua trôi nổi trên thị trường về bán cho các nhà hàng làm thực phẩm nên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội quản lý thị trường số 7 đã tiến hành giám sát buộc chủ sở hữu tiêu hủy toàn bộ số hàng trên và báo cáo Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh xử phạt theo quy định của pháp luật.
Trao đổi với PV, luật sư Dương Văn Phúc, Giám đốc Công ty luật TNHH 1TV HMS cho hay: Hiện nay, các chế tài hiện hữu liên quan đến xử lý thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc đang được áp dụng vẫn chủ yếu là về mặt hành chính. Ngoài ra, pháp luật về hình sự cũng có quy định liên quan đến tình trạng vận chuyển, buôn bán, cung ứng thực phẩm bẩn không rõ nguồn gốc. Quy định tại NĐ 115/2018, sửa đổi bổ sung tại NĐ 124/2021 thể hiện mức phạt từ 1 đến 2 lần giá trị của lô hàng thực phẩm bẩn, tuy nhiên mức phạt tối đa đối với cá nhân là 100.000.000 đồng và đối với tổ chức là: 200.000.000 đồng.
"Ở đây có thể thấy, quy định như vậy tồn tại mâu thuẫn về mức phạt. Mức phạt tối đa thì gấp đôi nhưng lại khống chế mức trần 100 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Tôi cho rằng cần phải tháo gỡ việc áp dụng mức phạt trần để phòng các trường hợp có những lô hàng thực phẩm bẩn giá trị lớn và quy mô như hiện nay, hơn nữa phải nâng mức phạt có thể gấp 3 hoặc 4 lần so với mức phạt hiện tại.
Vấn đề xử lý hình sự trong các trường hợp này chưa được áp dụng một cách triệt để, nếu có căn cứ khởi tố thì phải khởi tố để răn đe việc buôn bán, sử dụng thực phẩm bẩn được quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với hình phạt: phạt tù từ 12 năm đến 20 năm ở khoản 4 là mức cao nhất", luật sư Phúc nói.
Cũng theo luật sư Phúc, với những đơn vị chứa hay vận chuyển thực phẩm bẩn, thì hiện nay chế tài chỉ có xử lý hành chính việc vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc hoặc không có nguồn gốc xuất xứ. Việc xác định người vận chuyển có biết rõ về hành vi đang vận chuyển nguồn hàng bẩn hay không thì phải điều tra làm rõ mới kết luận được.
"Chế tài xử lý ở đây chỉ là phạt hành chính về việc vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc với mức phạt rất thấp 300.000 đồng và mức cao nhất là 100.000.000 đồng đối với cá nhân được quy định tại Điều 17 NĐ 98/2020, nhiều trường hợp đấu tranh với tài xế lái xe nhưng không tìm ra được chủ lô hàng bẩn thì cũng không thể xử lý hành chính về lô hàng bẩn được do đó đây cũng là bất cập trong việc xử phạt hành chính trong lĩnh vực này. Cần phải quy định thêm về việc người vận chuyển phải biết được và buộc phải biết được việc hàng hóa mình đang vận chuyển là hàng gì, nguồn gốc từ đâu và có hợp pháp hay không.
Trong trường hợp nếu khởi tố vụ án hình sự và chứng minh được người vận chuyển biết được đang chở hàng thực phẩm bẩn thì cũng là đồng phạm trong vụ án và cũng bị xử lý về tội danh như đã nêu ở trên", luật sư Phúc nêu quan điểm.