Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Lỗ kỷ lục, nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ, Sao Thái Dương giải trình ra sao?

Kết thúc năm 2023, CTCP Đầu tư Sao Thái Dương (HoSE: SJF) báo lỗ năm thứ 2 liên tiếp, nhận nhiều ý kiến kiểm toán ngoại trừ, cổ phiếu của công ty tiếp tục bị đình chỉ giao dịch.

SJF lỗ ròng gấp 10 lần cùng kỳ

Ngày 2/4, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) đã có văn bản nhắc nhở SJF về việc chậm nộp báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2023.

Căn cứ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 của Bộ Tài chính, công ty đại chúng phải công bố BCTC năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán, nhưng không vượt quá 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Đến ngày 10/4, SJF mới hoàn thành BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2023. Theo đó, SJF ghi nhận doanh thu thuần 110 tỷ đồng, sụt giảm 37% so với cùng kỳ. Do giá vốn hàng bán ở mức 155,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp âm 45,6 tỷ đồng, trong khi năm trước cũng âm 7,4 tỷ đồng.

Trong năm, chi phí tài chính tăng gấp 13 lần cùng kỳ lên 162,8 tỷ đồng, chủ yếu do dự phòng giảm giá các khoản đầu tư 148,6 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng gấp 4 lần, đạt mức 136,3 tỷ đồng, phần lớn do dự phòng phải thu khó đòi tăng mạnh lên 132,1 tỷ đồng (cùng kỳ 29,8 tỷ đồng).

Do vậy, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty ở mức âm 316,5 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 28,5 tỷ đồng.

Trừ đi thuế và các chi phí khác, SJF báo lỗ sau thuế 326,8 tỷ đồng, gấp 10 lần khoản lỗ 32,2 tỷ đồng cùng kỳ. Đây là mức lỗ kỷ lục của doanh nghiệp kể từ khi được niêm yết trên sàn HoSE vào năm 2017.

Trước đó, tại BCTC quý IV/2023 do công ty tự lập, SJF ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế đến cuối năm 2023 âm 39,3 tỷ đồng. Như vậy, sau kiểm toán, doanh nghiệp lỗ thêm 287,5 tỷ đồng.

Giải trình nguyên nhân, SJF cho rằng sau soát xét, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần do thực hiện trích lập giảm giá các khoản đầu tư và trích lập dự phòng nợ xấu. Qua đó kéo lợi nhuận sau thuế của công ty xuống mức âm 326,8 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SJF giảm 27% còn 743,7 tỷ đồng, phần lớn nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn 545,6 tỷ đồng (chiếm 73%).

Bên cạnh đó, nợ phải trả của công ty tăng 26% lên 249,1 tỷ đồng, trong đó 93% là nợ ngắn hạn, tương ứng 232,9 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng từ 108,8 tỷ đồng lên 155,8 tỷ đồng, nổi bật là khoản vay Agribank tổng cộng gần 75 tỷ đồng và khoản vay doanh nghiệp nước ngoài staBOO Holding AG hơn 34 tỷ đồng.

Sau năm 2023 lỗ nặng, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp giảm mạnh 40% về mức 494,6 tỷ đồng.

Nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ

Tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2023 của SJF, công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã có những ý kiến ngoại trừ về một số khoản đầu tư và khoản phải thu của doanh nghiệp.

1-1713438169.png
Nguồn: BCTC.

Theo văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (VNX), về ý kiến thứ nhất liên quan đến khoản đầu tư vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Tona, SJF cho rằng trong năm 2023, doanh thu và giá vốn hàng bán của công ty này tương đối thấp, lợi nhuận sau thuế bị lỗ.

Do đó, xét khả năng thu hồi vốn chưa được khả quan nên SJF chưa đánh giá được mức trích lập dự phòng khoản đầu tư này.

Đối với ý kiến thứ hai về khoản cho vay đối với CTCP Cát Tường Thiên Tân Lạc, SJF cho biết do công ty chưa thu hồi được số tiền gốc và lãi, đồng thời khả năng thu hồi không khả quan nên chưa có cơ sở để đánh giá và trích lập.

Về ý kiến ngoại trừ liên quan đến các khoản phải thu ngắn hạn khác với số tiền 47,3 tỷ đồng, SJF cho rằng do cán bộ công nhân viên chưa hoàn tất thủ tục hoàn ứng.

Cuối cùng, về ý kiến ngoại trừ liên quan đến CTCP Sunstar Ecotech, SJF cho biết khả năng thu hồi số tiền đầu tư không khả quan nên chưa đánh giá được mức độ thu hồi giá trị khoản đầu tư này.

Cổ phiếu bị giữ nguyên diện đình chỉ giao dịch

Ngày 16/04/2024, SJF liên tiếp nhận quyết định từ HoSE về việc xử lý vi phạm đối với cổ phiếu. Theo đó, diện xử lý vi phạm cao nhất là đình chỉ giao dịch.

Cụ thể, theo Quyết định số 217/QĐ-SGDHCM, cổ phiếu SJF sẽ bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 24/04/2024 do tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với BCTC năm của doanh nghiệp trong 2 năm liên tiếp (2022 và 2023).

Tiếp đó, cổ phiếu của SJF sẽ bị đưa vào diện kiểm soát theo Quyết định số 218/QĐ-SGDHCM do lợi nhuận sau thuế trên BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2022 và 2023 của công ty là số âm.

Đồng thời, cổ phiếu SJF sẽ bị đưa vào diện cảnh báo theo Quyết định số 219/QĐ-SGDHCM vì lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại BCTC hợp nhất kiểm toán 2023 của công ty là số âm.

Cuối cùng, HoSE cho biết sẽ giữ nguyên diện đình chỉ giao dịch đối với cổ phiếu SJF theo Quyết định số 726/QĐ-SGDHCM. Lý do đưa ra là công ty chưa đáp ứng quy định đưa ra khỏi diện đình chỉ giao dịch tại khoản 4 Điều 41 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết, ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/03/2022 của HĐTV Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Ngọc Bảo