Theo văn bản gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM (HoSE), HBC đã có lời giải trình về chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán. Cụ thể, về việc lãi gộp giảm 36,6 tỷ đồng, HBC cho biết kiểm toán đã có điều chỉnh tăng giá vốn tại các công ty con.
Bên cạnh đó, về chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 274,7 tỷ đồng sau kiểm toán, công ty cho rằng do điều chỉnh tăng tại báo cáo riêng làm lợi nhuận giảm 287,2 tỷ đồng, còn lại liên quan đến bút toán loại trừ hợp nhất hoàn nhập chi phí trích lập dự phòng vào công ty con – chi nhánh công ty TNHH Sơn Hòa Bình tại Hưng Yên và hoàn nhập chi phí trích khấu hao cầu An Hải tại CTCP Đầu tư Phát triển Hòa Bình Phú Yên.
Về việc lợi nhuận khác chuyển từ lãi hơn 3 tỷ đồng sang lỗ 4,3 tỷ đồng sau kiểm toán, HBC giải thích do hoàn nhập chi phí dự phòng bảo hành công trình tại các công ty thành viên nên thu nhập khác tăng thêm 19,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải điều chỉnh khoản tổn thất về chi phí môi giới vào kết quả kinh doanh tương ứng với các căn hộ khách hàng yêu cầu trả cọc tại CTCP Đầu tư Tiến Phát và tăng chi phí liên quan đến khoản xóa sổ tiền tạm ứng nhân viên đã nghỉ việc, phạt chậm nộp thuế, BHXH tại các công ty thành viên, nên chi phí khác giảm gần 27 tỷ đồng.
Ngoài các chênh lệch lớn nêu trên, HBC cũng nêu lý do cho các điều chỉnh khác sau kiểm toán: chi phí lãi vay tăng 3,2 tỷ đồng do điều chỉnh tăng lãi vay phải trả ngân hàng tại công ty mẹ HBC; lỗ công ty liên doanh, liên kết thêm 196,3 triệu đồng từ việc điều chỉnh lỗ đầu tư vào công ty liên kết (CTCP BĐS Thành Ngân); chi phí thuế TNDN hiện hành tăng 2,2 tỷ đồng do điều chỉnh thuế tại công ty con (CTCP Xây dựng Hạ tầng Hòa Bình); thuế TNDN hoãn lại tăng 8,4 tỷ đồng do liên quan đến khoản trích lập dự phòng đầu tư và dự phòng phải thu.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, theo báo cáo tài chính kiểm toán, HBC ghi nhận doanh thu thuần 7.537 tỷ đồng, sụt giảm 47% so với cùng kỳ.
Trừ đi thuế và các chi phí khác, HBC báo lỗ ròng 1.115 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước cũng lỗ 2.609 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2023, nợ phải trả của HBC ở mức 15.156 tỷ đồng. Với vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ 1.191 tỷ đồng xuống 93,3 tỷ đồng, tổng nợ của doanh nghiệp đã cao gấp 162 lần vốn chủ, con số này ở đầu năm là 14,3 lần.
Được biết, với việc tăng lỗ ròng 2023 thêm 333 tỷ đồng, mức lỗ lũy kế của HBC tại thời điểm 31/12/2023 đã được nâng lên 3.240 tỷ đồng, vượt xa con số vốn điều lệ 2.741 tỷ đồng. Điều này dẫn đến khả năng HBC sẽ bị hủy niêm yết theo quy định.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên 29/03, giá cổ phiếu HBC ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu, khối lượng cổ phiếu giao dịch khớp lệnh là hơn 5,3 triệu đơn vị. Hiện cổ phiếu HBC đang thuộc diện cảnh báo và bị kiểm soát.