Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Ly kỳ vụ bắt cóc thế kỷ do Bình “Kiểm” cầm đầu, kế hoạch lắt léo đến từng chi tiết

Phạm Đức Bình, biệt danh Bình "Kiểm" có nhiều tiền án, trong đó không thể không kể đến vụ bắt cóc con trai đại gia Trầm Bê từng được ví như vụ “bắt cóc thế kỷ” với nhiều tình tiết như trên phim.

Quá khứ bất hảo của Bình "Kiểm"

Theo thông tin từ báo Lao động, Bình “Kiểm” là đối tượng giang hồ cộm cán, bản tính lì lợm, côn đồ, sử dụng vũ khí quân dụng, gây ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn cả nước.

z6008880006532-9fd704de226135181-1730970104269-1731114322.jpg

Hình ảnh mới nhất về Bình "Kiểm" khi bị công an bắt giữ. Ảnh: Công an cung cấp.

Trước năm 1991, Bình nhiều lần mua bán, chiếm đoạt vũ khí quân dụng. Sau khi xuất ngũ, Bình cầm đầu băng nhóm gồm các đối tượng gốc Bắc, chuyên bảo kê, tranh giành địa bàn, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, đâm thuê chém mướn, mở sòng bạc, vũ trường ở TPHCM.

Năm 1996, sau khi bị bắt đi lao động cải tạo, Bình trốn khỏi nơi giam giữ, tiếp tục tổ chức đánh bạc đến năm 1998 thì bị bắt theo lệnh truy nã. Bình "Kiểm" bị TAND quận 10, TPHCM tuyên phạt 1 năm tù tội Đánh bạc, Trốn khỏi nơi giam giữ.

Ra tù, Bình tiếp tục chỉ đạo, điều hành hoạt động cho vay lãi nặng, tranh giành địa bàn, gây ra nhiều vụ cố ý gây thương tích và bị phạt lao động cải tạo tại Trung tâm Lao động cải tạo Huy Khiêm, tỉnh Bình Thuận.

Tại nơi cải tạo, Bình tụ tập, lôi kéo đàn em hình thành băng nhóm, thường xuyên đánh nhau với đối tượng băng nhóm khác. Ngay sau khi ra trại, Bình đánh anh rể thương tích 12%, rồi bỏ trốn. Năm 2003, Bình bị bắt, phải thi hành án 1 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".

Năm 2004, ra tù, Bình mua một khẩu súng AK, 5 khẩu súng ngắn, hơn 400 viên đạn, 2 quả lựu đạn. Tháng 12/2005, Trầm Trọng Ngân, con trai ông Trầm Bê bị giang hồ bắt cóc đòi những 10 triệu USD tiền chuộc. Tác giả kịch bản kiêm đạo diễn phi vụ vô tiền khoáng hậu này là Bình "Kiểm".

Vụ bắt cóc thế kỷ

Một bài viết trên báo An ninh thế giới đã ghi lại chi tiết về vụ việc này. Cụ thể, để thực hiện kế hoạch bắt cóc Trầm Trọng Ngân, ngoài Nguyễn Bùi Hữu Dư, sinh năm 1977, ngụ ấp Hải Linh, phường Kim Liên, thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình "kiểm" quyết định lôi kéo thêm Đoàn Anh Tuấn, sinh năm 1979, ngụ ở Bến Cát, Bình Dương; Bùi Hồng Linh, sinh năm 1977 ở P12, Gò Vấp  và Thiều Thiên Dương, tự Dương "cao", sinh năm 1970, nhà ở  ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM nhập cuộc.

Theo chỉ đạo của Bình, Nguyễn Bùi Hữu Dư đã mua thêm một khẩu K54 cùng 60 viên đạn. Thấy "hoả lực" chưa đủ mạnh, Bình lại điện thoại cho Phạm Văn Bình, tức Bình "thổ", sinh năm 1974, ngụ tại phường Phú Nguyễn, TX Bà Rịa - Vũng Tàu (thời điểm đó) lệnh tìm mua thêm vũ khí.

Giống hệt 4 tên Dư, Dương, Linh, Tuấn, Bình "thổ" cũng là đàn em của Bình "kiểm" khi còn ngồi chung trại Huy Khiêm. Thấy Bình "thổ" tứ cố vô thân hầu như không hề có thăm nuôi, Bình "kiểm" đã bỏ tiền mua đường sữa đãi ngộ tên này, thậm chí còn chiêu nạp và "trả lương" cho Bình "thổ" mỗi tháng một triệu đồng, biến Bình "thổ" thành một thứ "âm binh" để sai khiến cả trong tù lẫn về sau. Quả nhiên, Bình "thổ" tỏ ra đắc lực, đã lùng mua được cho Bình "kiểm" một khẩu AR 15 và 298 viên đạn.

binh-kiem-1731114382.jpg

Hình ảnh về việc Bình Kiểm bị bắt nhiều năm trước. Ảnh: Công an cung cấp.

Lần ra tay thứ nhất diễn ra vào cuối tháng 11/2005, ngay giữa ban ngày, Bình trực tiếp tham gia và chỉ huy. Gã ra chợ Dân Sinh mua dây trói, băng keo chuẩn bị sẵn và giao khẩu rulô nòng ngắn cho Dương, còn mình thì giấu khẩu shoot-gun vào người, khoác áo gió trùm bên ngoài. Kế hoạch là bốn tên Bình, Dư, Dương, Tuấn sẽ chở nhau trên hai xe máy bám xe hơi của Trầm Trọng Ngân.

Tên Linh giả làm người đạp ba gác đón lõng, sẵn sàng húc cản đường buộc nạn nhân phải giảm tốc độ, sau đó ủi thẳng vào đầu xe nạn nhân. Khi Ngân mở cửa bước xuống giải quyết vụ tai nạn, bốn tên sẽ ập tới dùng súng buộc nạn nhân lên xe, có hai tên không chế, trong khi tên Linh bỏ xe ba gác để cầm lái chiếc xe bị cướp chạy thẳng về điểm hẹn. Hai tên còn lại sẽ đi xe máy mở đường và cản địa. Tuy nhiên, hôm đó, nạn nhân không đến công ty nên kế hoạch bất thành.

Đêm 4/12/2005, chúng đổi chiến thuật, định "cất hàng" lần thứ hai vào ban đêm. Trận chung kết bóng đá Việt Nam - Thái Lan vừa kết thúc, cả bọn đã tập trung đủ mặt tại siêu thị Metro An Phú. Linh thuê sẵn một chiếc xe du lịch với giá 600 ngàn đồng. Bình "kiểm" giao toàn quyền chỉ huy cho Dư, còn bản thân không lộ diện, chỉ dùng điện thoại chỉ đạo từ xa. Hắn bảo Dư: "Mày được quyền tuỳ cơ ứng biến. Tao coi sao rồi. Tháng này, sao của thằng Ngân rất sáng còn sao mạng tao thì mờ tịt. Có tao đi là xui xẻo lắm".

Theo dự định, chờ Trầm Trọng Ngân đến khúc cua đường số 7, nạn nhân giảm tốc độ để ngoặt cua, Linh sẽ dùng xe hơi ép xe máy Ngân và ra tay. Không may, theo thói quen, nạn nhân đã phóng xe rất nhanh nên tên Linh không bắt kịp. Cả bọn lại phải bỏ cuộc....

Lần thứ ba, vẫn thực hiện đúng phương án cũ, những tên bắt cóc đã thành công. Vụ bắt cóc xảy ra vào khoảng 20h đêm 5-12-2005, tại khu vực cạnh khu tái định cư, phường An Lạc A. Xe hơi của Linh vừa ép xe máy @ của anh Ngân vào lề, ba tên đồng bọn đã phóng tới.

Dương chĩa nòng rulô vào đầu nạn nhân khống chế, Dư kẹp cổ Ngân tống thẳng vào xe. Dương và Tuấn bịt mắt bịt miệng nạn nhân đưa về điểm hẹn ở đầu cầu Kinh Tẻ, quận 7, nơi Bình đang chờ sẵn. Dư ở lại điều khiển chiếc xe máy hiệu @ của nạn nhân, đưa ra đường Tên Lửa vứt bỏ nhằm tránh bị phát hiện. Sau đó, hắn gọi xe ôm chạy về cầu Kinh Tẻ nhập cùng đồng bọn.

Chơi bạo nhưng tham vặt, loại quen thói bẩn "ăn mắm hút dòi", thấy Dư về không, tiếc chiếc xe @ đắt tiền, Bình "kiểm" chửi té tát. Dư vặc lại: "Anh đã bảo cho tôi tuỳ cơ ứng biến, thấy lấy xe không tiện thì tôi vứt, chửi cái gì". Nghe vậy, Bình bèn thôi. Sợ đi qua Cầu Ông Lãnh người đông dễ bị phát hiện, Bình ra lệnh cho Linh đánh xe ngược lại, vượt cầu Calmette, theo đường Bến Chương Dương vắng người, qua Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh vòng ra xa lộ Hà Nội trực chỉ hướng Vũng Tàu.

Khi chỉ đạo tiến hành vụ bắt cóc Trầm Trọng Ngân, Bình "kiểm" nại cớ say, không đi được xe hơi nên một mình một xe máy chạy trước làm nhiệm vụ dẫn đường. Thực chất, tên tội phạm cáo già đã tính sẵn, chủ động đi riêng để dễ tháo chạy nếu không may cả bọn bị Công an phát hiện và truy đuổi.

Khoảng 23h đêm, xe của chúng tấp vào nhà nghỉ Hồng Phúc, một khu nhà trọ gồm nhiều bungalow riêng biệt ở xã Phước Thuận, Xuyên Mộc. Trong thời gian trốn lệnh truy nã, Bình "kiểm" thường chui rúc ở khu vực cư xá Lữ Gia, quận 11 nên quen biết với chủ của khu nhà nghỉ Hồng Phúc, nơi sau này hắn thường xuyên thuê phòng.

Vì thế, vào đến nơi, cả bọn không cần xuống xe, không xuất trình giấy tờ nhưng cũng không ai hỏi han gì. Một mình Bình vào lấy chìa khoá và hướng dẫn chiếc xe chở nạn nhân đánh đuôi vào tận cửa, kè nạn nhân vào phòng không hề bị ai phát hiện. Trầm Trọng Ngân bị trói chặt vào giường, miệng bị dán băng keo nên không thể kêu cứu.

Theo lệnh của Bình, Linh đã quay về TP HCM trả chiếc xe thuê, sau đó đón xe đò quay lại nhập bọn cùng băng nhóm. Trong vòng 30 phút giữa đêm 5/12, nhóm tội phạm đã 8 lần gọi vào điện thoại cho gia đình nạn nhân đòi "Không báo Công an. Chuẩn bị 10 triệu USD tiền chuộc. Chỉ toàn tiền 100 USD. Nếu không đáp ứng, con trai ông bà sẽ bị bắn". Việc gọi điện, Bình "kiểm" cũng không tự làm mà giao cho đàn em. Hắn sợ bị người nhà nạn nhân nhận diện giọng nói.

Ban đầu gia đình nạn nhân không tin việc con trai họ bị bắt cóc, đòi gặp bằng được anh Trầm Trọng Ngân. Nạn nhân chỉ kịp thông báo vắn tắt: "Con bị bắt cóc, bị trói, bị bịt miệng...", Bình đã giật điện thoại lại ngay. Gia đình ông Trầm Bê cho biết không thể gom nổi số tiền chuộc quá lớn ngay tức khắc, xin bớt xuống một nửa (5 triệu USD).

Câu trả lời của những tên bắt cóc là: "Vậy thì chuẩn bị nhận xác nó đi là vừa". Sợ hãi, gia đình nạn nhân đồng ý giá tiền chuộc, nhưng xin khất vài ba ngày để lo, bởi số tiền mặt quá lớn. Bình "kiểm" và cả bọn đồng ý và tắt luôn điện thoại. Hí hửng, chúng yên tâm chờ đợi và bắt đầu mơ đến những cuộc chơi bời trác táng với số tiền khổng lồ.

Trước khi vụ bắt cóc xảy ra, một số nhân chứng (cũng là dân giang hồ) đã kịp ghi nhận sự có mặt của Bình "kiểm" tại khu vực gần chỗ bắt cóc. Sự trùng hợp này đã khiến cái tên Bình "kiểm" được liệt vào danh sách nghi can. Chi tiết này đã đưa đến quyết định rà soát lại toàn bộ danh sách các đối tượng có quan hệ quen biết với Bình "kiểm", đặc biệt là những đối tượng từng cải tạo tại trại Huy Khiêm thời điểm 1999-2000. Sau này, khi vụ án đã được khám phá, quả thật các đối tượng tham gia đều không hề nằm ngoài danh sách được lập.

Cuối tháng 12/2005, nhóm Bình "Kiểm" đã bị công an bắt giữ, con tin cũng được giải cứu an toàn.

Sau khi bị công an bắt giữ, ngày 31/3/2010, TAND TP.HCM xét xử và tuyên phạt Bình "Kiểm" 30 năm tù giam về các tội Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Chiều 7/11, Cục Cảnh sát hình sự (C02, Bộ Công) thông tin về việc bắt giữ Phạm Đức Bình (54 tuổi, biệt danh Bình "Kiểm") - kẻ cầm đầu trong vụ án mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.

Bình "Kiểm" cùng 15 người khác đến nay đã bị khởi tố về các tội "Chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc và đánh bạc; Tàng trữ trái phép chất ma túy".

Bình "Kiểm" được xác định cầm đầu băng nhóm tội phạm "đặc biệt nguy hiểm" khi cùng đồng bọn lên kế hoạch, mua súng quân dụng... kêu gọi tài trợ để bắt cóc những người nổi tiếng (ca sĩ, người mẫu...) nhằm tống tiền, ép quan hệ tình dục để quay video, gửi cho các website khiêu dâm.

Theo Đại tá Lê Khắc Sơn - Trưởng phòng Trọng án, C02, Bình "Kiểm" bị bắt giữ hồi cuối tháng 9 vừa qua.