Doanh thu kỷ lục, nợ phải trả gấp gần 4 lần vốn chủ
Theo báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán 2023, THU ghi nhận doanh thu thuần 246,2 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, được HĐQT công ty đánh giá là mức doanh thu cao nhất từ trước đến nay.
Trong kỳ, nhờ lợi nhuận gộp tăng 24% lên 22,6 tỷ đồng và doanh thu tài chính tăng 85% lên 1,4 tỷ đồng, kéo theo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 3,9 tỷ đồng, tăng gần 2 tỷ đồng so với cùng kỳ. Các chỉ tiêu khác biến động không đáng kể.
Trừ đi thuế, THU báo lãi ròng 2,8 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2022. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 103% mục tiêu doanh thu và đạt khoảng 123% mục tiêu lợi nhuận trong năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của THU giảm nhẹ gần 2 tỷ đồng về 172,4 tỷ đồng, phần lớn tập trung tại các khoản phải thu ngắn hạn 116,4 tỷ đồng chiếm 67,5% tổng tài sản.
Đáng chú ý, tổng nợ của THU ở mức 137,4 tỷ đồng, cao hơn gấp 3,9 lần so với vốn chủ (hơn 35 tỷ đồng). Tình trạng này đã kéo dài nhiều năm từ khi doanh nghiệp chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM vào năm 2017. Kể từ đó đến nay, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của THU luôn dao động từ 3,7 đến 4,7.
Nhận ý kiến kiểm toán ngoại trừ, đặt mục tiêu cho năm 2024
Liên quan đến BCTC 2023, THU đã phải nhận ý kiến ngoại trừ từ công ty TNHH Kiểm toán AFC Việt Nam. Cụ thể, tại ngày 31/12/2023, tổ chức kiểm toán không thể đưa ra ý kiến nhận xét về tính đầy đủ và giá trị của một số khoản vay của THU do chưa có đối chiếu xác nhận.
Trong văn bản giải trình gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), THU cho biết công ty đã ghi nhận tăng tài sản trên cơ sở biên bản bàn giao tài sản có giá trị theo quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa và Ban QLDA Cải thiện môi trường đô thị miền Trung với số tiền gốc là 43,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, biên bản đối chiếu công nợ với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chi nhánh Thanh Hóa (là đơn vị trung gian do Bộ Tài chính giao theo dõi thu nợ gói vay dự án) ghi nhận nợ gốc là 33,3 tỷ đồng. Vì vậy, công ty đã phối hợp đề nghị ngân hàng gửi Bộ Tài chính để xác nhận đối chiếu công nợ, thế nhưng vẫn chưa có kết quả trả lời.
Liên quan đến nhân sự, từ cuối năm 2023 đến nay, đã có nhiều biến động “thượng tầng” tại THU. Cụ thể, cuối tháng 12/2023, Công ty thông báo miễn nhiệm chức vụ Phó giám đốc đối với ông Thiều Văn San do đã đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí.
Đến ngày 28/03/2024, THU quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Minh Tuấn và ông Nguyễn Ngọc Sang vào chức vụ Phó giám đốc công ty. Được biết, trước khi được bổ nhiệm, ông Nguyễn Minh Tuấn là trưởng phòng Kế hoạch – kỹ thuật vật tư, còn ông Nguyễn Ngọc Sang từng là Giám đốc Xí nghiệp Công viên cây xanh 2.
Tuy nhiên, tới 4/4/2024, THU đã nhận được đơn xin từ nhiệm của ông Thiều Văn San – thành viên HĐQT do đã đến tuổi nghỉ hưu, sức khỏe không đảm bảo để tham gia điều hành công ty.
Cùng ngày, ông Nguyễn Tiến Hải – thành viên ban Kiểm soát cũng có đơn xin từ nhiệm mà không nêu rõ lý do. Như vậy, THU chỉ còn lại 4 thành viên trong HĐQT và 2 thành viên trong ban Kiểm soát. Dự kiến Công ty sẽ bầu bổ sung vào cuộc họp Đại hội cổ đông gần nhất.
Dự kiến ngày 26/4/2024, THU sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tại tầng 3, trụ sở công ty số 467 Lê Hoàn, phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa.
Hướng đến năm 2024, HĐQT THU trình lên ĐHĐCĐ mục tiêu doanh thu 240 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ước tính đạt 2,7 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm trước.
Ngoài ra, Công ty cũng đặt mục tiêu thu nhập bình quân 6 triệu/người/tháng, nộp ngân sách 13 tỷ đồng và chia cổ tức 2023 từ 5,5% đến 6,5%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu THU hiện đang ở diện cảnh báo với thị giá 7.000 đồng/cp khi kết phiên sáng ngày 5/04/2024.