Tôi năm nay 28 tuổi. Trước khi đến với anh, tôi đã trải qua vài mối tình với những kết thúc không trọn vẹn. Có khi kéo dài nhiều năm, có khi chỉ thoáng qua như một cơn say nắng. Sau những vấp ngã, tôi từng nghĩ sẽ tạm gác chuyện yêu đương để tập trung vào công việc và bản thân. Nhưng rồi anh đến.
Anh hơn tôi hai tuổi, là người cùng quê. Hiền lành, điềm đạm, có công việc ổn định – đúng kiểu người mà bố mẹ tôi vẫn ao ước con gái mình sẽ gặp. Chúng tôi hợp nhau từ cách nói chuyện đến quan điểm sống. Mọi thứ đến rất tự nhiên, chẳng mất quá nhiều thời gian để xác định mối quan hệ.
Suốt một năm yêu nhau, anh luôn nhẹ nhàng và nhường nhịn tôi trong mọi việc. Từ chuyện đưa đón mỗi ngày, lắng nghe tôi than thở, cho đến những hành động nhỏ nhặt nhưng đầy quan tâm. Tôi cũng đáp lại tình cảm ấy bằng những bữa cơm tối đợi anh về, bằng sự chân thành và niềm tin rằng đây chính là người đàn ông của đời mình.
Khi yêu nhau tròn một năm, anh ngỏ lời muốn đưa tôi về ra mắt gia đình. Tôi hồi hộp suốt cả đêm trước hôm về quê anh. Dù anh trấn an rằng bố mẹ dễ tính, tôi vẫn cẩn thận chọn trang phục kín đáo, chuẩn bị quà chỉn chu – chỉ mong để lại ấn tượng tốt đẹp trong lần đầu gặp gỡ.
Mọi chuyện ban đầu khá suôn sẻ. Gia đình anh đón tiếp nồng hậu, bữa cơm diễn ra vui vẻ. Tôi chủ động phụ dọn dẹp, trò chuyện với bố mẹ anh, cố gắng cư xử khéo léo nhất có thể. Nhưng sáng hôm sau, khi tôi mặc quần dài kẻ sọc và áo phông để đi chợ cùng anh, mẹ anh bất ngờ buông một câu khiến tôi chết lặng: “Bác nghĩ ra đường thì nên mặc quần bò cháu ạ.”
Dù bộ đồ tôi mặc kín đáo, không hề phản cảm, nhưng ánh nhìn của bác gái khiến tôi lập tức thấy mình… sai. Người yêu tôi vội bênh vực, bảo đang ở nhà thì mặc sao cho thoải mái là được. Nhưng tôi vẫn lẳng lặng đi thay quần, còn lòng thì nặng trĩu.
Từ sau đó, bác gái không còn thân thiện như lúc đầu. Bữa cơm trưa hôm ấy cũng không còn nhiều câu chuyện. Dù không ai nói gì, tôi cảm thấy rõ ràng một khoảng cách đang dần hiện lên giữa tôi và mẹ anh.

Trở lại thành phố, tôi gặng hỏi anh xem mẹ anh có ý kiến gì sau buổi ra mắt. Anh chỉ cười: “Mẹ anh hơi khó tính chuyện ăn mặc thôi. Sau này cưới nhau, mình sống ở trên phố chứ có ở chung đâu. Về quê để ý chút là được.”
Câu trả lời của anh nhẹ tênh. Nhưng với tôi, sự nhẹ tênh ấy lại khiến tôi thấy trống trải. Chỉ một chiếc quần đã có thể khiến mẹ anh thay đổi thái độ, và anh thì cho rằng điều đó không đáng để bận tâm. Phải chăng, nếu sau này có chuyện gì lớn hơn, anh cũng sẽ gạt đi bằng vài chữ “em đừng để ý”?
Tôi vẫn cố gắng giữ lòng tin vào tình yêu ấy. Vài tháng sau, chúng tôi về ra mắt bố mẹ tôi. Anh chu đáo chuẩn bị mọi thứ, buổi gặp diễn ra ấm áp. Tôi lại nuôi hy vọng về một cái kết viên mãn.
Cho đến một buổi tối nọ, khi hai đứa đi dạo và nói về tương lai sau hôn nhân, anh đột nhiên nói:
“Sau này cưới nhau, tiền ai người nấy tiêu. Anh sẽ góp một khoản cố định hàng tháng, còn lại chuyện trong nhà em lo.”
Tôi đứng lặng. Không phải vì tôi ngại chuyện lo toan, mà vì chính cách anh nói ra điều đó – rạch ròi, rõ ràng, như thể cuộc sống hôn nhân chỉ là một bản hợp đồng mà mỗi bên đóng vai trò cụ thể, không vượt ranh giới.
Tôi chợt nhận ra, hôn nhân không thể vận hành như một phép chia. Nếu một ngày tôi sinh con, mất việc, hay ốm đau, khoản “góp cố định” ấy liệu có đủ để gánh vác tất cả? Còn tôi – có còn là bạn đời, hay chỉ là người lo mọi chuyện trong căn nhà chung?
Tôi đi làm, có thu nhập, chưa từng đòi hỏi anh phải chu cấp điều gì. Nhưng tôi từng mơ về một mái nhà – nơi hai người sẻ chia mọi điều, không phải tách bạch từng đồng.
Từ hôm đó, tôi không còn nhìn mối quan hệ này bằng ánh mắt màu hồng nữa. Tôi vẫn yêu anh. Nhưng tôi cũng yêu chính mình. Và tôi hiểu rằng, một người đàn ông không sẵn sàng đồng hành với tôi qua những gập ghềnh, không thể khiến tôi thấy được chở che – có lẽ không phải là người phù hợp để cùng bước tiếp.