Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Một cổ phiếu bất động sản tăng phi mã gấp 3 lần sau 7 phiên

Tân binh sàn UPCoM là VDG của Vạn Đạt Group đã chứng kiến 7 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá từ 11.000 đồng/cổ phiếu lên 35.100 đồng/cổ phiếu.

Những phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng kiến sự giằng co giữa bên mua và bên bán trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm khiến VN-Index liên tục rung lắc. Trong khi đó, mã VDG của CTCP Vạn Đạt Group lại tăng phi mã gấp 3,1 lần chỉ sau 7 phiên.

Tân binh sàn UPCoM này có ngày giao dịch đầu tiên vào 26/9, với mức giá chào sàn 11.000 đồng/cổ phiếu. Đáng nói, kể từ khi lên sàn mã này liên tục "tím", qua đó đưa thị giá lên 35.100 đồng/cổ phiếu vào phiên 4/10, vốn hóa của Vạn Đạt cũng tăng mạnh lên mức 175,5 tỷ đồng.

Khối lượng giao dịch trung bình mỗi ngày khoảng 15.000 đơn vị, trong đó ngày có thanh khoản cao nhất là 2/10 với 39.000 đơn vị. Mỗi phiên, mã VDG cũng dư mua giá trần khoảng hơn 10.000 đơn vị.

Một cổ phiếu bất động sản tăng phi mã gấp 3 lần sau 7 phiên- Ảnh 1.

Diễn biến thị giá cổ phiếu VDG (Nguồn: TradingView).

Trước diễn biến trên, Vạn Đạt đã có văn bản giải trình về việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp, tuy nhiên lại khá "văn mẫu".

Công ty cho hay, giá giao dịch cổ phiếu VDG bị ảnh hưởng và chi phối trực tiếp bởi tình hình chung của thị trường chứng khoán và tâm lý nhà đầu tư. Việc cổ phiếu tăng trần liên tiếp là vấn đề nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

Lãnh đạo Vạn Đạt khẳng định: "Công ty vẫn đang sản xuất kinh doanh bình thường, không nhận thấy bất kỳ yếu tố đột biến lớn nào ảnh hưởng đến hoạt động công ty. Do đó, giá giao dịch cổ phiếu VDG hoàn toàn do yếu tố thị trường quyết định".

Vạn Đạt cho biết thêm, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt tăng 35% lên 110,5 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 13% xuống hơn 1 tỷ đồng, lần lượt thực hiện 47% và 37,6% kế hoạch năm.

Theo thông tin trên website, Vạn Đạt Group tiền thân là CTCP Tập đoàn Kiến trúc Vạn Đạt, thành lập tháng 8/2019, với số vốn góp ban đầu là 50 tỷ đồng để bắt đầu triển khai kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và kinh doanh buôn bán vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, vào năm 2021, công ty đã đổi tên thành Vạn Đạt Group và chuyển hướng sang sản xuất nguyên liệu dệt may như sợi, chỉ may.

Thời gian gần đây, công ty đang quay lại mảng bất động sản với dự án biệt thự liền kề tại khu vực Bình Dương. Đây là dự án Khu nhà ở Vạn Đạt với diện tích 14.100 m2, tổng đầu tư dự kiến hơn 252 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp chiếm 20% với 50,5 tỷ đồng, còn lại là vốn vay hơn 200 tỷ đồng.

Trần Thị Tú Anh/ Người Đưa Tin