Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Một hành vi này khi sử dụng thẻ BHYT đi khám chữa bệnh có thể phạt đến tiền triệu, biết ngay để tránh

Hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ của người khác trong khám chữa bệnh sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng nếu vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT. Nếu làm thiệt hại, mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng.
bao-hiem-y-te-la-gi-quyen-loi-bhyt-tai-sao-nen-mua-bhyt-202011141406442378-1753580876.jpg
Ảnh minh họa.

Quy định về thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cập nhật, bổ sung mới nhất tại Luật bảo hiểm y tế năm 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.

Căn cứ theo Điểm a Khoản 14 Điều 1 Luật bảo hiểm y tế 2024 sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 16 Luật BHYT năm 2008 giải thích khái niệm thẻ bảo hiểm y tế như sau:

Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) có mã số BHYT được cấp cho người tham gia BHYT dùng làm căn cứ để hưởng các quyền lợi về bảo hiểm y tế theo quy định của Luật BHYT.

Người tham gia BHYT được cấp miễn phí đồng thời thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử (trên ứng dụng VssID/VNeID) có giá trị pháp lý như nhau dùng để xuất trình khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở KCB BHYT theo quy định.

Mỗi người tham gia BHYT được cấp một mã số bảo hiểm y tế duy nhất theo mã số BHXH và được in trên thẻ BHYT.

Chính phủ quy định việc cấp thẻ BHYT bản giấy và bản điện tử cho người tham gia BHYT.

Theo Công văn số 3340/BHXH-ST, thẻ BHYT được gia hạn trên cơ sở dữ liệu để sử dụng lâu dài và không phải đổi lại hàng năm.

Từ ngày 15/8/2025, Nghị định 188/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực trong đó quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. 

VietNamNet cho hay, theo Nghị định 188/2025, từ ngày 15/8, cơ quan chức năng sẽ thu hồi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nếu phát hiện gian lận trong việc cấp thẻ BHYT, bao gồm: Có hành vi gian lận thông tin về đối tượng, mức hưởng trong việc cấp thẻ BHYT và các hành vi gian lận khác; Người có tên trong thẻ BHYT không tiếp tục tham gia BHYT; Cấp trùng thẻ BHYT.

Thẻ BHYT bị tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ trong trường hợp người đi khám chữa bệnh sử dụng thẻ BHYT của người khác. Người có thẻ BHYT bị tạm giữ có trách nhiệm đến nhận lại thẻ và nộp phạt theo quy định của pháp luật.

Khi phát hiện hành vi vi phạm trên, cơ sở khám chữa bệnh phải thông báo cho cơ quan BHXH. Cơ quan BHXH thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ BHYT khi phát hiện hoặc nhận được thông báo của cơ sở khám chữa bệnh về các hành vi vi phạm.

Khi thu hồi, tạm giữ hoặc tạm khóa giá trị sử dụng thẻ BHYT, cơ quan BHXH phải thông báo cho người tham gia BHYT biết.

Thẻ BHYT bị tạm khóa giá trị sử dụng được mở khóa, bị tạm giữ được trả lại khi người cho người khác mượn thẻ và người sử dụng thẻ BHYT của người khác đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (nếu có).

Luật Bảo hiểm y tế quy định nghĩa vụ của người tham gia BHYT là sử dụng thẻ đúng mục đích, không cho người khác mượn thẻ.

Hành vi vi phạm quy định về sử dụng thẻ BHYT trong khám chữa bệnh đã được quy định rõ trong Nghị định 117/2020 của Chính phủ.

Theo đó, hành vi cho người khác mượn thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ của người khác trong khám chữa bệnh sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng nếu vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ BHYT. Nếu làm thiệt hại, mức phạt từ 3 đến 5 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm buộc hoàn trả số tiền đã vi phạm vào tài khoản thu của quỹ BHYT (nếu có).

Mỹ Anh (t/h)