Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Mỹ-Ukraine chính thức ký kết thỏa thuận khoáng sản trong ngày 30/4 tại Washington

Giải thích về Quỹ Đầu tư Tái thiết, Thủ tướng Ukraine cho biết Mỹ và Ukraine cùng quản lý một cách bình đẳng và sẽ cùng đóng góp vào quỹ.

Theo The Hill, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko đã ký kết thỏa thuận khoáng sản trong ngày 30/4 tại Washington.

"Như Tổng thống Trump đã nói, Mỹ cam kết sẽ chấm dứt cuộc xung đột vô nghĩa ở Ukraine. Thỏa thuận này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng tới Nga, nhấn mạnh rằng Washington sẽ theo đuổi một thỏa thuận hòa bình dài hạn", ông Bessent nói.

Bộ trưởng Bessent nhấn mạnh, thỏa thuận khoáng sản sẽ ngăn "mọi quốc gia và cá nhân hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga" được hưởng lợi từ việc tái thiết Ukraine.

Về phía Ukraine, bà Svyrydenko đã gửi lời cảm ơn tới chính phủ Mỹ, khẳng định thỏa thuận này có thể đem lại lợi ích cho cả Kiev và Washington.

"Thỏa thuận cho phép thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine, do hai nước cùng quản lý trên cơ sở bình đẳng, và không bên nào có quyền lợi lớn hơn. Khoáng sản dưới lòng đất vẫn thuộc quyền sở hữu của Ukraine, và Kiev sẽ quyết định khai thác gì và ở đâu. Tôi biết ơn tất cả những người đã nỗ lực để thúc đẩy thỏa thuận này", bà Svyrydenko nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: NYTTổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: NYT

Việc ký kết thỏa thuận khoáng sản diễn ra sau nhiều tháng đàm phán, đôi khi khá căng thẳng. Mỹ và Ukraine dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận vào cuối tháng 2, nhưng kế hoạch đã đổ vỡ sau cuộc tranh cãi căng thẳng và công khai tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Quỹ Đầu tư Tái thiết” sẽ được Kiev và Washington đồng quản lý trong một quan hệ đối tác bình đẳng, với sự đóng góp từ cả hai phía.

Theo ông Shmyhal, viện trợ quân sự trong tương lai từ phía Mỹ có thể được tính là một phần đóng góp vào quỹ, nhưng các khoản viện trợ trước đó sẽ không được tính.

“Thỏa thuận không bao gồm bất kỳ nghĩa vụ nợ nào”, ông Shmyhal khẳng định.

Ukraine sẽ giữ “quyền kiểm soát hoàn toàn đối với tài nguyên dưới lòng đất, cơ sở hạ tầng và tài nguyên thiên nhiên”, Thủ tướng Ukraine cho biết. Việc thành lập quỹ cũng sẽ không cản trở tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine.

Ảnh minh hoạẢnh minh hoạ 

Washington Post cho biết, cơ quan truyền thông vốn đã xem xét phiên bản mới nhất của thỏa thuận, văn kiện này không đưa ra bất kỳ đảm bảo an ninh cụ thể nào cho Ukraine. Thay vào đó, nó khẳng định “sự liên kết chiến lược dài hạn” giữa hai quốc gia và cam kết Mỹ “hỗ trợ an ninh, thịnh vượng, tái thiết và hội nhập của Ukraine vào các khuôn khổ kinh tế toàn cầu”.

Thỏa thuận cũng không đề cập đến Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP) đang bị Liên bang Nga kiểm soát. Trước đó, các quan chức Mỹ từng gợi ý việc kiểm soát nhà máy này có thể là một phần của một thỏa thuận hòa bình trong tương lai.

Các chi tiết cụ thể của thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được công bố công khai.

Tuy nhiên, theo báo The Guardian, các điều khoản cuối cùng đã giảm gánh nặng hơn nhiều cho Ukraine so với những điều khoản mà ông Bessent đề xuất ban đầu vào tháng 2, trong đó có điều khoản rằng Mỹ sẽ kiểm soát 100% doanh thu từ quỹ tái thiết.

Mộc Miên/ĐSPL