Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nâng cao thu nhập người dân để 'đẩy' tăng trưởng trên 8%

Chuyên gia cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh, cần các gói kích thích tăng trưởng để kích cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng. Theo đó, gói giải pháp này nên tập trung ưu tiên tăng thu nhập và tăng tích lũy cho người dân, để kích thích tiêu dùng trong dân cư.

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo Nghị quyết, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2025 phải đạt 8% trở lên, đồng thời kiểm soát tốc độ tăng CPI trong khoảng 4,5 - 5% để duy trì ổn định vĩ mô.

Để đạt mục tiêu trên, rong Đề án trình Quốc hội, Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp như hoàn thiện thể chế, pháp luật; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công; thúc đẩy đầu tư tư nhân và công nghiệp chế biến, chế tạo; thúc đẩy tiêu dùng, đa dạng thị trường xuất khẩu...

nham-mang-den-gia-tot-cho-nguoi-tieu-dung-san-pham-nhan-hang-rieng-cua-winmart-co-gia-re-hon-10-20-so-voi-cac-san-pham-cung-phan-khuc-tren-thi-truong-1712-1740380034.jpg

Ưu tiên tăng thu nhập và tích lũy cho người dân để kích thích tiêu dùng.

Tăng thu nhập và tích lũy cho người dân để kích thích tiêu dùng

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, với kịch bản mới, để tăng thêm 1%, Chính phủ đã trình thêm hàng loạt nhóm giải pháp. Dẫu vậy, vẫn cần có thêm các giải pháp cụ thể, rõ nét, với nguyên tắc có hiệu lực, hiệu quả ngay trong năm nay.

Dẫn kinh nghiệm các nước, ông Hiếu cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng nhanh, cần các gói kích thích tăng trưởng để kích cầu đầu tư, sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng.

Đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay, vị chuyên gia này cho rằng, gói chính sách kích thích tăng trưởng nên được cân nhắc với nguyên tắc thực thi ngay, có hiệu lực ngay nhưng không tạo áp lực lạm phát. Theo đó, đầu tiên, phải ưu tiên tăng thu nhập và tăng tích lũy cho người dân, để kích thích tiêu dùng trong dân cư.

“Ở góc độ chính sách, có lẽ, cần đẩy nhanh tiến độ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng tăng mức giảm trừ gia cảnh để người dân có thêm khoản tiết kiệm...”, ông Hiếu cho hay.

Thứ hai, tiếp tục rà soát chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, qua đó tác động tích cực đến cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Trong giai đoạn này, nếu chưa thực sự cần thiết thì không nên đề xuất tăng thuế để cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trường hợp buộc phải sửa đổi chính sách thuế thì nên đặt mục tiêu dài hạn, ví dụ lùi thời hạn áp dụng thêm khoảng 2-3 năm nữa.

Thứ ba, cần rà soát các chính sách phí, lệ phí để tiếp tục kéo dài chính sách miễn giảm hoặc xây dựng chính sách mới cũng như sửa ngay các quy định làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện thủ tục hoàn thuế bảo đảm doanh nghiệp không phải chờ đợi...

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của chi tiêu của người tiêu dùng đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ông Nguyễn Đình Đức, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, tiêu dùng toàn xã hội, gồm phần lớn chi tiêu của cá nhân, hộ gia đình và tỷ trọng nhỏ hơn từ Chính phủ, chiếm trên 60% GDP.

Do đó, kích thích tiêu dùng sẽ góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng vượt 8% trong năm 2025, làm tiền đề cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn sắp tới.

Để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng, ông Đức cho rằng, cần phải nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thuế thu nhập cá nhân.

Thêm vào đó, việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt bằng cách giảm lãi suất, mở rộng tín dụng tiêu dùng, tăng cơ hội vay tiêu dùng, linh hoạt trong quản lý nợ và giảm chi phí vay cũng là giải pháp kích thích chi tiêu tiêu dùng một cách toàn diện.

Đột phá thể chế để nền kinh tế “cất cánh”

Cũng theo ông Phan Đức Hiếu, tăng trưởng ở mức trên 8%, thậm chí 2 con số của Việt Nam là có tiềm năng, tuy nhiên, trước nay vẫn phần nào bị kìm hãm bởi điểm nghẽn thể chế.

“Nếu cải cách thể chế tạo được kết quả đột phá, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện nhanh chóng, mạnh mẽ-thuận lợi hơn, hiệu quả hơn, ít rủi ro hơn-thì sẽ có đường băng rộng mở để nền kinh tế có thể cất cánh”, ông Hiếu nhấn mạnh.

1-tang-truong-gdp-1129-1641-1740380055.jpeg

Đột phá thể chế để nền kinh tế “cất cánh”.

Chính phủ đã khẳng định ngay trong năm 2025 phải đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng hiệu quả quản lý. Trong đó, quản lý là cần thiết nhưng nhằm kiến tạo phát triển đồng thời dứt khoát loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm."

Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, trên tinh thần đề cao phương pháp "quản lý theo kết quả," chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Chính phủ cũng quán triệt ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí, như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và các vụ án kéo dài...

Tuy nhiên, ông Hiếu cũng lưu ý về thách thức độ trễ chính sách, do đó cần phải tìm mọi cách để giảm thiểu độ trễ này nhằm tạo nhiều cơ hội kinh doanh nhanh hơn, đồng đều hơn.

Các địa phương đã được trao quyền dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sớm đưa chính sách vào cuộc sống và cần thúc đẩy nhanh chóng thành hành động cụ thể, bắt tay vào làm ngay.

Anh Vũ/VNF