Oleksiy Panasenko, một người điều hành một của hàng trong chuỗi bán lẻ Novus ở Ukraine, cho biết tình hình kinh doanh từng rất khó khăn khi xung đột bắt đầu cách đây 1 năm.
Ông Panasenko kể lại: "Vào ngày thứ 2 của cuộc chiến, giao tranh đã xảy ra ở vùng ngoại ô Kiev. Vào tháng 2 và tháng 3/2022, cửa hàng của chúng tôi đã trở thành một nơi không chỉ để mua thực phẩm: Là nơi mọi người đến để tụ họp, giao lưu, nó trở thành một nơi được ví như sự bình ổn".
Khi Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga khỏi khu vực Kiev vào mùa xuân năm 2022, tình hình bán lẻ và nền kinh tế nói chung đã dần hồi phục.
Dữ liệu từ Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu của Ukraine - tập hợp hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài và ở Ukraine - cho thấy vào cuối tháng 5/2022, 47% thành viên của họ đã khôi phục hoàn toàn hoạt động và 50% thành viên khác còn một số hạn chế khi hoạt động.
Tuy nhiên, vào tháng 10 cùng năm, Nga đã thực hiện hàng loạt vụ không kích nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng Ukraine, gây mất điện diện rộng ở nhiều nơi trên khắp đất nước, bao gồm cả thủ đô Kiev. Tình trạng mất điện đã gây ra nhiều bất lợi cho người Ukraine, đặc biệt vào thời điểm mùa đông lạnh giá, và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp hạng nặng của nước này.
Trong năm 2022, nền kinh tế Ukraine đã suy giảm 1/3 sản lượng, mức giảm lớn nhất kể từ khi Ukraine tách khỏi Liên Xô vào năm 1991. Trước xung đột, sản lượng kinh tế hàng năm của nước này từng đạt mức 200 tỷ USD.
Khi cuộc chiến bước sang năm thứ 2 và chưa có dấu hiệu kết thúc, những thách thức với nền kinh tế khó lường. Theo ước tính của Reuters, nền kinh tế Ukraine trong năm 2023 sẽ chứng kiến sự sụt giảm trong khoảng 5% trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Theo các nhà kinh tế, hai quan chức chính phủ và giám đốc điều hành của hai công ty tư nhân, trong khi nhiều doanh nghiệp đang tìm cách đối phó với xung đột, những doanh nghiệp khác không có máy phát điện sẽ gặp khó trong năm 2023. ArcelorMittal Kryvyi Rih, nhà máy thép lớn nhất Ukraine, cho biết sản lượng của họ hiện chỉ bằng 25% so với mức trước xung đột do tình trạng mất điện.
"Chúng tôi thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ thích nghi khá nhanh với tình trạng thiếu điện bằng cách mua máy phát điện, pin và các thiết bị khác, trong khi thiệt hại về cơ sở hạ tầng được duy trì mức vừa phải", Olena Bilan, nhà kinh tế trưởng tại công ty đầu tư Dragon Capital, cho biết.
Bà Bilan tiếp tục: "Nếu tình trạng này kéo dài, mức giảm GDP năm 2023 sẽ không lớn như chúng tôi dự đoán. Nhưng dự báo của chúng tôi cũng cho thấy giai đoạn nóng của cuộc chiến sẽ kết thúc vào cuối quý 3/2023".
Ngân hàng trung ương Ukraine dự đoán GDP sẽ tăng 0,3% trong năm nay, trong khi Bộ kinh tế dự báo tăng trưởng có thể là 3,2%.
Tín hiệu tích cực
Vào mùa hè năm 2022, các quan chức Ukraine đã bắt đầu lạc quan hơn về nền kinh tế của đất nước, đặc biệt là sau một thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc do Liên Hợp Quốc làm trung gian.
Thỏa thuận này đã cứu ngành nông nghiệp Ukraine, vốn chiếm khoảng 12% GDP và khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu trước xung đột.
Tính đến giữa tháng 2 năm nay, xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine cho niên vụ 2022-2023 đã giảm 29,3% so với cùng kỳ, xuống 29,7 triệu tấn.
Vitaly Vavrishchuk, người đứng đầu nghiên cứu tại tổ chức ICU, cho biết sự gia tăng mạnh mẽ trong chi tiêu quân sự, bao gồm cả tiền lương cho quân đội, cũng đã tạo ra một động lực cho nền kinh tế. Ukraine đã chi 1,5 nghìn tỷ hryvnia (40,6 tỷ USD) cho lĩnh vực quốc phòng vào năm 2022 - tương đương với khoảng 1/3 sản lượng kinh tế - theo Hội đồng An ninh Quốc gia.
Con số này đã cao hơn khoảng 5 lần so với ngân sách quốc phòng dự kiến của Ukraine trước khi xung đột nổ ra.
Tuy nhiên, bất chấp những tín hiệu tích cực, nền kinh tế Ukraine vẫn bị tụt hậu so với thời điểm trước chiến dịch quân sự đặc biệt. Những thiệt hại về kinh tế mà Kiev phải hứng chịu trong suốt một năm qua cũng không hề nhỏ.
Tỷ lệ nghèo đói đã tăng vọt và thâm hụt ngân sách được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2023 khi doanh thu thuế sụt giảm. Theo đó, chính phủ Ukraine hiện đang phụ thuộc vào viện trợ của phương Tây để giải quyết các thâm hụt này.
Bộ trưởng Tài chính Serhiy Marchenko cho biết: "Chính phủ Ukraine đã thực hiện các biện pháp giúp giảm thâm hụt hàng tháng trong năm 2023 xuống còn 3-3,5 tỷ USD, dù vậy đây vẫn là một con số khổng lồ".
Chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các nhà tài trợ bắt đầu lập kế hoạch tái thiết lớn trong năm nay, mặc dù họ thừa nhận việc này sẽ rất khó khăn chừng nào xung đột còn tiếp diễn.
Trong bối cảnh hiện nay, các sự kiện kinh doanh thường được tổ chức tại các hầm trú ẩn dưới lòng đất để đảm bảo an ninh. Mất điện là tình trạng thường xuyên xảy ra.
Vẫn còn nhiều vấn đề
Ngành thép, trụ cột chính của nền kinh tế, là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hai nhà sản xuất thép hàng đầu là Azovstal và MMK Illicha ở Mariupol đã bị phá hủy và chính thức phá sản. Những công ty khác thì đang phải vật lộn với tình trạng mất điện.
Trước khi xung đột xảy ra, Ukraine từng là nhà sản xuất thép lớn thứ 14 trên thế giới.
Mauro Longobardo, tổng giám đốc của ArcelorMittal Kryvyi Rih cho biết: "Mất điện đối với những công ty như chúng tôi là một vấn đề lớn. Công ty gần đây đã bắt đầu nhập khẩu điện, nhưng chi phí tương đối cao".
Được biết, lưới điện của Ukraine gần đây đã được kết nối với lưới điện châu Âu, nơi có giá cao hơn và nước này đã nhập khẩu năng lượng từ nước láng giềng Slovakia.
Tuy nhiên, thiếu hụt năng lượng không phải là thách thức duy nhất đối với các công ty thép như Arcelor.
Ông Longobardo cho biết nhà kho của công ty ở Kryviy Rih, cách thủ đô Kiev khoảng 400 km, đã bị trúng ba tên lửa của Nga vào đầu tháng 12 và một công nhân đã thiệt mạng. Cơ sở khai thác của Arcelor trong một khu vực mới được giải phóng gần đây thì bị rải đầy mìn và hầu hết các cơ sở hạ tầng liên quan bị hư hại.
Hậu cần cũng là một vấn đề đau đầu khác đối với công ty, vốn từng xuất khẩu tới 80% sản lượng. Trong đó, Nga phong tỏa các cảng Biển Đen của Ukraine và ông Longobardo phải làm việc trên các tuyến đường xuất khẩu mới qua Ba Lan.
Bất chấp những thách thức, Arcelor, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Ukraine, vẫn cam kết sẽ tiếp tục ở lại.
Trong khi đó, triển vọng kinh tế ở một số ngành sản xuất khác khả quan hơn.
Dữ liệu của Bộ Kinh tế cho thấy Ukraine đã nhập khẩu 669.400 máy phát điện vào năm ngoái, trong đó có hơn 300.000 máy đợc nhập khẩu trong tháng 12. Ông Panasenko cho biết 52 trong số 82 cửa hàng của chuỗi bán lẻ Novus đã được trang bị máy phát điện.
Ông Vavrishchuk, thuộc ICU, nhận định nền kinh tế đang tiếp tục thích ứng và các lĩnh vực được nhà nước tài trợ cao sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.
Nhưng những rủi ro an ninh rõ ràng đã ngăn cản các khoản đầu tư tư nhân, vốn rất quan trọng cho sự phục hồi mạnh mẽ. Ông Vavrishchuk cho biết đất nước sẽ cần thực thi pháp quyền, đảm bảo tính minh bạch và cạnh tranh công bằng để thu hút các khoản đầu tư này.
Ông Vavrishchuk nói: "Tham gia vào quá trình tái thiết sau xung đột có thể hấp dẫn các nhà đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn sẽ phải giải quyết tất cả những vấn đề đó (tính minh bạch và tham nhũng), nhưng vấn đề chúng tôi chưa làm được trước xung đột".
Minh Hạnh (Theo Reuters)