
Thông tin trên báo Công an nhân dân online, ngày 12/4 vừa qua, Bộ Công an thông tin về đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả. Bước đầu, Cơ quan CSĐT khởi tố 8 bị can. Ngày 17/4/2025, Bộ Y tế có công văn số 2310/BYT-ATTP về việc quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Bộ Y tế cho biết, hiện nay có tình trạng một số bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế tham gia quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nếu có vi phạm và báo cáo về Bộ Y tế (qua Cục An toàn thực phẩm).
Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện trực thuộc: các viện; các trường đại học, cao đẳng y, dược trực thuộc; các hội, hiệp hội liên quan đến thực phẩm; Tổng hội Y học Việt Nam thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người lao động của đơn vị đã nghỉ công tác) về tình trạng trên.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế tại công văn số 2310 của Bộ Y tế, ngày 21/4/2025, Viện Dinh dưỡng cũng đã có văn bản số 368 gửi Nestlé Việt Nam về việc “rà soát việc sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong truyền thông”, trong đó nêu rõ yêu cầu “Công ty kiểm tra, rà soát các nội dụng truyền thông, quảng cáo sản phẩm thực phẩm, nếu có bất lỳ thông tin nào liên quan đến Viện Dinh dưỡng mà vi phạm các quy định nêu trên, đề nghị gỡ bỏ ngay nhằm bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật trong hoạt động truyền thông, quảng cáo sản phẩm cũng như tuyên truyền phổ biến kiến thức về dinh dưỡng cho cộng đồng”.
Vẫn theo báo Công an nhân dân online, trả lời báo chí, TS. BS Nguyễn Hồng Trường – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, năm 2022-2023, Viện Dinh dưỡng đã hợp tác với Nestlé Việt Nam triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Hiệu quả giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch NESTLÉ MILO lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại một số trường tiểu học tỉnh Ninh Bình”.
Cụ thể, đề tài nghiên cứu được tiến hành từ tháng 6/2022 – 3/2023 thuộc nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng trên 576 học sinh tiểu học tại Ninh Bình (300 nhóm trẻ ở nhóm can thiệp, 276 ở trẻ nhóm chứng” tại trường Tiểu học Trường Yên và Ninh Giang (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)
Thiết kế nghiên cứu là thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng tại cộng đồng nhằm đánh giá hiệu quả của giáo dục thể chất kết hợp với sử dụng sản phẩm bổ sung sữa lúa mạch lên tình trạng dinh dưỡng, thể lực và trí lực của học sinh tại hai trường tiểu học nói trên. Sản phẩm thực phẩm bổ sung sữa lúa mạch Nestlé Milo dùng trong nghiên cứu đã được Nestlé Việt Nam tự công bố sản phẩm năm 2020 tại Chi cục thực phẩm Đồng Nai và đang được phép lưu hành trên thị trường.
Đề tài nghiên cứu này đã được Hội đồng nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở và có kết luận gồm 3 nội dung: Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho học sinh sau 3 tháng nghiên cứu.
Hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học góp phần cải thiện tất cả các thành tố trong tố chất thể lực như sức nhanh, sức mạnh, sức bền, độ mềm dẻo và năng lực khéo léo của học sinh tiểu học sau 3 tháng.
Nội dung kết luận thứ 3 được thể hiện là hoạt động thể lực theo giáo án và kết hợp sử dụng sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” cho học sinh tiểu học không ghi nhận hiệu quả cải thiện tình trạng trí lực cho học sinh tiểu học sau 3 tháng nghiên cứu.
Được biết, trước động thái trên của Viện Dinh dưỡng, Nestlé Việt Nam cũng đã có văn bản số 23 ngày 24/4/2025 trả lời Viện Dinh dưỡng, trong đó cam kết “ngay lập tức tiến hành rà soát lại các hoạt động quảng cáo đang thực hiện, đồng thời sẽ nhắc nhở các đối tác để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành”.
“Việc sử dụng clip quảng cáo của sản phẩm thực phẩm bổ sung “Sữa lúa mạch Nestlé Milo” thuộc trách nhiệm của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam và cơ quan quản lý có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Viện Dinh dưỡng vừa tiếp tục gửi văn bản cho Nestlé Việt Nam, yêu cầu báo cáo giải trình tiến độ thực hiện, rà soát các hoạt động truyền thông và quảng cáo liên quan đến Viện Dinh dưỡng”, TS. BS Phạm Hồng Trường thông tin.
Theo Luật sư Vũ Quang Vượng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Quang Vượng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), căn cứ theo Điều 7, Nghị định 15/2018 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, mọi nội dung quảng cáo thực phẩm phải trung thực, chính xác, không gây hiểu nhầm, đặc biệt không được sử dụng tên, hình ảnh, uy tín của cơ sở y tế, cán bộ y tế để quảng cáo sản phẩm nếu không được phép.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 của Nghị định này cũng quy định: Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.