Nga hôm 31/7 đã hoàn tất việc rút lực lượng biên phòng khỏi sân bay quốc tế Zvartnots ở thủ đô Yerevan của Armenia theo yêu cầu mà quốc gia vùng Kavkaz (Caucasus) đưa ra hồi đầu năm nay trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
Lực lượng biên phòng Nga đã đồn trú tại Zvartnots trong nhiều thập kỷ, và cũng hiện diện dọc theo biên giới của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran để thể hiện mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa Moscow và Yerevan.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian tuyên bố hồi tháng 3 rằng chính phủ của ông đã cho Moscow thời hạn đến ngày 1/8 để họ rút hết lực lượng khỏi sân bay nói trên. Ông Pashinian cho biết, Armenia có khả năng thực hiện kiểm soát an ninh tại đó "mà không cần sự giúp đỡ của phía Nga".
Chính quyền Armenia tổ chức lễ chia tay lực lượng biên phòng Nga đồn trú tại sân bay Zvartnots theo đúng nghi thức. Ảnh: TASS
Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích động thái này, nói rằng Yerevan có nguy cơ gây ra "thiệt hại không thể khắc phục" cho quan hệ Nga-Armenia và gây nguy hiểm cho an ninh và phát triển kinh tế của chính Armenia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian đã nhất trí về việc rút quân khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Moscow hồi tháng 5.
Quá trình này đã hoàn tất với buổi lễ chia tay được tổ chức cho vài chục sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tại Zvartnots. Chỉ huy mới được bổ nhiệm của lực lượng biên phòng Armenia, Edgar Hunanian, đã cảm ơn lực lượng Nga vì sự phục vụ của họ trong bài phát biểu tại buổi lễ.
Người đứng đầu Cơ quan Biên phòng thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Armenia Edgar Unanyan chỉ ra rằng "chuyên môn và kiến thức do lực lượng biên phòng Nga chuyển giao sẽ được tiếp tục áp dụng để phụng sự Tổ quốc".
"Công việc không phải lúc nào cũng dễ nhận thấy nhưng rất cần thiết của các bạn đã đóng góp đáng kể vào an ninh của cả Armenia và Nga", đại biện lâm thời Nga tại Yerevan, Maksim Seleznyov, cho biết.
Trong cuộc gặp hồi tháng 5 với ông Pashinian, ông Putin cũng đồng ý rút quân đội và lính biên phòng Nga khỏi khu vực biên giới Armenia với Azerbaijan. Lực lượng này đã được triển khai ở đó theo yêu cầu của Yerevan trong và sau cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh năm 2020. Lính biên phòng Nga sẽ tiếp tục bảo vệ biên giới của Armenia với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nga cũng có một căn cứ quân sự tại quốc gia vùng Kavkaz, đó là Căn cứ quân sự số 102 ở Gyumri. Hồi tháng 3, một nhà lập pháp cấp cao của Nga cho biết ông "sẽ không khuyến nghị chính quyền Armenia nghĩ đến việc" yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của Quân đội Nga.
Cho đến nay, Thủ tướng Pashinian vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch nào như vậy, nhưng ông đã đóng băng tư cách thành viên của Armenia trong Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSSTO) do Nga dẫn dắt và không loại trừ khả năng gia nhập Liên minh châu Âu (EU).