Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Nghỉ hè với điện thoại 10 tiếng/ngày, bé trai nhập viện vì gan nhiễm mỡ

Bé trai 13 tuổi được phát hiện gan nhiễm mỡ mức độ 2 sau thời gian nghỉ hè ít vận động, thường xuyên ăn vặt và dùng thiết bị điện tử trên 10 giờ/ngày.

Mới đây, một bé trai 13 tuổi (Trung Quốc) được chẩn đoán mắc gan nhiễm mỡ ở mức trung bình sau kỳ nghỉ hè dài ngày. Trong suốt thời gian nghỉ, cậu bé gần như dành hơn 10 tiếng mỗi ngày để chơi game và xem video trên điện thoại.

Theo bác sĩ Vương Lục Đình – chuyên gia nội tiết và điều trị béo phì ở trẻ em – bệnh nhi cao 1m60, nặng tới 72kg. Ngoài thời gian ngủ, cậu gần như luôn dán mắt vào màn hình. Các chỉ số xét nghiệm chức năng gan cho thấy:ALT tăng lên 72 U/L (mức bình thường dưới 45), Triglyceride đạt 160 mg/dL, có dấu hiệu đề kháng insulin, cảnh báo rối loạn chuyển hóa sớm

Bác sĩ Vương cho biết, đây không phải là ca hiếm gặp. Một nghiên cứu mới công bố cho thấy: trẻ em dùng thiết bị điện tử trên 5 giờ/ngày có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao gấp 2,1 lần so với nhóm dùng dưới mức này.

dien-tu-1753636541.jpg
Ảnh minh họa

Nguyên nhân chính đến từ lối sống “tĩnh tại”: ít vận động, ăn uống mất kiểm soát, thường xuyên thức khuya – những yếu tố đang âm thầm gây hại cho gan và sức khỏe chuyển hóa của trẻ.

Giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử
Trẻ em không nên sử dụng điện thoại, máy tính bảng quá 2 giờ/ngày. Hãy thiết lập các “khung giờ không màn hình” – đặc biệt vào buổi tối hoặc cuối tuần – để trẻ có thời gian tương tác với gia đình, vận động thể chất và giảm nguy cơ tăng cân.

Khuyến khích trẻ vận động mỗi ngày
Theo khuyến nghị, trẻ cần ít nhất 60 phút vận động cường độ vừa trở lên mỗi ngày. Ngoài ra, nên duy trì thêm khoảng 3 giờ vận động nhẹ như đi bộ, đạp xe, làm việc nhà... để bù đắp thời gian ngồi lâu.

Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh: Giảm đồ ngọt, nước ngọt, đồ chiên rán. Ưu tiên rau củ, đạm nạc và thực phẩm nhiều chất xơ. Tuyệt đối tránh để trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại, vì dễ mất kiểm soát lượng thức ăn nạp vào.

Giữ nhịp sinh hoạt đều đặn, ngủ đúng giờ: Ngủ đủ giấc và đúng giờ giúp gan có thời gian phục hồi và hỗ trợ điều hòa hormone. Việc thức khuya, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ sẽ ảnh hưởng đến nội tiết và làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa.

Theo dõi các dấu hiệu sớm: Nếu trẻ béo phì, bụng to, da vùng cổ hoặc nách thâm sạm (gai đen) – cần đưa đi xét nghiệm chức năng gan sớm để phát hiện gan nhiễm mỡ hoặc các rối loạn chuyển hóa khác.

Gan nhiễm mỡ ở trẻ em thường tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nhưng có thể gây viêm gan, xơ gan, thậm chí dẫn đến gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) – một trong những nguyên nhân gây suy gan mãn tính ở người trẻ.

Trẻ em có thói quen ít vận động, thừa cân, nghiện thiết bị điện tử là những đối tượng cần đặc biệt lưu ý. Phòng bệnh từ sớm bằng lối sống lành mạnh và kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị điện tử là cách hiệu quả nhất để bảo vệ gan và sức khỏe tổng thể cho trẻ. 
 

Thu Giang (T/H)