Thứ 6, ngày 16 tháng 8, 2019, 8:36:21 Chiều

Người đàn ông 35 tuổi mắc chứng "sợ" thực phẩm, cả đời chỉ ăn được bánh mì, ngũ cốc và kẹo

Thomas Sheridan, 35 tuổi, sống tại Anh, mắc phải chứng rối loạn ăn uống hiếm gặp có tên khoa học là avoidant restrictive food intake disorder (ARFID). Suốt đời, anh chỉ ăn bánh mì trắng, ngũ cốc Shreddies và kẹo Haribo, chưa từng nếm qua rau củ, trứng, thịt hay trái cây. Chỉ cần nghĩ đến những thực phẩm đó cũng khiến anh buồn nôn.

“Gọi tôi là người kén ăn thì quá nhẹ,” Thomas nói với SWNS. “Tôi từng thử làm bánh sandwich với trứng và xúc xích như người khác vẫn hay ăn sau khi uống rượu. Nhưng ngay khi trứng chạm vào miệng, tôi lập tức nôn ra xa cả 3 mét.”

Chế độ ăn hàng ngày của Thomas hiện tại chỉ gồm hai ổ bánh mì trắng, ba bát ngũ cốc và nhiều kẹo dẻo. Để duy trì sức khỏe tối thiểu, anh phải uống thêm các loại thực phẩm chức năng và vitamin, nhưng chỉ chọn loại có hương vị “chịu đựng được”. Do không thể ăn đa dạng, Thomas sống phụ thuộc vào trợ cấp xã hội và vẫn đang thất nghiệp.

1-1747105005.jpg
Ảnh minh họa: Unsplash

Gia đình kể rằng các triệu chứng của anh bắt đầu từ khi mới 18 tháng tuổi. Một ngày nọ, cậu bé Thomas bỗng “ngậm miệng lại” và từ chối mọi món ăn ngoài bánh mì và ngũ cốc. “Bác sĩ khuyên cứ để đói đến khi nó phải ăn, nhưng không có gì hiệu quả,” cha anh nhớ lại. “Tôi thử thưởng quà nếu con ăn rau nhưng cũng vô ích.”

Tại trường, Thomas được phép về nhà ăn trưa bằng bánh mì nướng, vì không thể chịu nổi bữa ăn ở căng tin. Bước vào tuổi trưởng thành, hội chứng ARFID khiến anh gần như không thể làm việc vì thể trạng suy kiệt. “Lần cuối cùng tôi đi làm liên tục trong 10 ngày, tôi giảm liền 9,5 kg,” anh chia sẻ.

Hiện tại, Thomas đang kêu gọi cộng đồng quyên góp 8.000 USD (tương đương khoảng 200 triệu đồng) để thực hiện trị liệu thôi miên, phương pháp cuối cùng mà anh kỳ vọng có thể giúp mình vượt qua hội chứng ARFID. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết không có gì đảm bảo phương pháp này sẽ thành công.

Theo các chuyên gia tâm lý, ARFID là một dạng rối loạn ăn uống phức tạp, thường liên quan đến cảm giác sợ hãi, nhạy cảm quá mức với mùi vị, kết cấu thực phẩm hoặc các chấn thương tâm lý từ thời thơ ấu. Không giống các rối loạn như biếng ăn hay cuồng ăn, người mắc ARFID không có nỗi ám ảnh về cân nặng, mà sợ chính thức ăn.

Dù đã trải qua nhiều lần trị liệu hành vi và tư vấn dinh dưỡng, Thomas vẫn chưa thể thoát khỏi “giam cầm” của chính khẩu vị hạn chế của mình. Câu chuyện của anh một lần nữa cho thấy mức độ nghiêm trọng và thực tế của những rối loạn ăn uống tưởng chừng như chỉ là “kén ăn đơn thuần”.

Ngọc Bảo (Theo ODD)